Top 18 chữ Hán ý nghĩa nhất mà bạn nên biết khi học tiếng Trung | NHT Books

Top 18 chữ Hán ý nghĩa nhất mà bạn nên biết khi học tiếng Trung

Trần Công Tráng 27/12/2022
NHT Books

Tham khảo ngay TOP 18 chữ Hán ý nghĩa nhất phải biết khi học Tiếng Trung!

Chữ Hán (Hay Hán Tự) là hệ thống chữ được sáng tạo từ xa xưa của người Trung Quốc dựa trên các nét vẽ dưới dạng chữ tượng hình và tượng thanh mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Chữ Hán ý nghĩa sâu xa, tính tượng hình cao nên đã nhanh chóng du nhập vào các nước lân cận trong khu vực Đông Á như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. 

Hầu như các bộ thủ trong chữ Hán thường là những hình ảnh gần gũi xung quanh mình được sử dụng rộng rãi trong các bức thư pháp, câu đối. Bản thân chữ Hán rất khó nhớ và khó viết nhưng chúng rất thú vị. Vậy làm sao để hiểu nghĩa của chữ Hán nhanh hơn? Hãy cùng NHT Books tìm hiểu nhé!

chữ hán ý nghĩa

1. Ý nghĩa chữ Phúc 福

Phúc (Hay Phước) là chữ chỉ sự tốt lành và hạnh phúc. Trong quá khứ xưa, chữ Phúc còn đại diện cho sự may mắn, no đủ. Ngày nay, khi nhắc đến chữ Phúc người ta thường nghĩ ngay đến sự hạnh phúc, bình yên. Dù thời nay hay thời xưa, ông bà ta đều dùng chữ Phúc để thể hiện sự khát khao về một cuộc sống và tương lai tốt đẹp. 

Bình thường, chữ Phúc trong tiếng Hán-Việt ghép với các từ khác đều mang hàm ý tốt lành: 

  • Phúc khí (福气).
  • Phúc vận (福运).
  • Hạnh phúc (幸福).
  • Phúc phận (福分).

1.1. Cách viết chữ Phúc

Trong tiếng Hán, chữ Phúc 福 được cấu thành từ các bộ như sau:

  • Bộ Thị (礻): Bộ cầu thị, thể hiện sự cầu mong và khát khao của con người về điều gì đó.
  • Bộ Miên (宀) : Chỉ sự che chở cuộc sống hạnh phúc, ấm no hoặc đánh dấu sự trưởng thành của con người.
  • Bộ Khẩu (口) : Đại diện cho con người, cụ thể hơn là con cháu đầy đàn, đầm ấm, quây quần và hạnh phúc.
  • Bộ Điền (田): Chỉ vật chất đất đai, ruộng vườn. 

=> Người xưa quan niệm về cuộc sống hạnh phúc không chỉ có nhiều con cháu mà phải có thêm của cải vật chất bởi ruộng vườn được xem là cốt lõi sự phát triển cuộc sống ấm no, tiền đề để an cư và hạnh phúc.

cách viết chữ phúc

Các thành ngữ liên quan tới chữ Phúc thường gặp: 

  • Hồng Phúc tề thiên.
  • Phúc như đông hải.
  • Trong họa có phúc.
  • Phúc tinh cao chiếu.
  • Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia.

1.2. Chữ Phúc trong thư pháp

Bình thường, chúng ta thường bắt gặp chữ Phúc trong nhiều đồ vật, câu đối, thư pháp, lời chúc với ý nghĩa mang đến sự may mắn, hạnh phúc, ấm áp cho gia chủ. Đặc biệt là vào các dịp lễ tết, khai trương để thể hiện sự tốt lành, chúc phúc cho người nhận.

Trong Kinh thư, chữ Phúc được chia ra 5 phúc: 

  • Giàu (富).
  • Yên lành (安寧).
  • Thọ (壽).
  • Có đức tốt (攸好德). 
  • Vui hết tuổi trời (考終命). 

Hoặc ngũ phúc cũng được xem là:

  • Phú (富).
  • Quý (貴).
  • Thọ (壽).
  • Khang (康).
  • Ninh (寧).

2. Ý nghĩa chữ Lộc (祿)

Trong văn hóa Trung Quốc tương truyền rằng, chữ Lộc có nguồn từ tên của một vị thần tên “Lộc”. Ông là một vị quan lớn, dư giả tiền bạc, người thường hay mặc áo màu xanh và tay cầm cây gậy. Từ đó đến nay, người ta quan niệm ông là người tượng trưng cho sự giàu có và may mắn.

Ngày nay, chữ Lộc được hiểu theo nghĩa rộng hơn, khi con người chịu khó và chăm chỉ học hỏi, làm việc mang đến tài lộc và những lợi ích tốt đẹp cho nhiều người sẽ tạo nên sản phẩm hay dịch vụ chất lượng. Từ đó, gia chủ sẽ đạt được thành công nhất định và dư giả tiền bạc. Nói cách khác, Lộc cũng mang nghĩa của sự đâm chồi, nảy lộc, đại diện cho những thành quả cố gắng với hàm ý muốn nhắc nhở chúng ta phải luôn cố gắng, vượt qua khó khăn, thử thách để có thể đạt được thành quả như mong muốn.

2.1. Cách viết chữ Lộc

Chữ Lộc (祿) gồm 3 bộ:

  • Bộ Thị (礻) : Nghĩa là thần quản đất đai hoặc liên quan đến chúc phúc, lễ bái thờ cúng tế tự hay thần Tiền.
  • Bộ Kệ (彐): Nghĩa là hình tượng đầu lợn.
  • Bộ Thủy (水): Nghĩa là nước.

chữ lộc

Quy tắc viết chữ Lộc từ trái qua phải, từ trên xuống. Bộ Thị (礻) viết trước gồm 4 nét và chữ Lục (录) viết sau gồm 8 nét.

2.2. Chữ Lộc trong thư pháp

Lộc còn được biết đến là một vị tinh tú trong bộ ba Phúc – Lộc – Thọ được dân gian thờ phụng tín ngưỡng người Trung lẫn Việt Nam. Đây chính là biểu tượng, nguyện vọng của con người gắn liền với mang đến tài lộc và những lợi ích tốt đẹp cho nhiều người.

3. Ý nghĩa chữ Thọ (寿)

Chữ Thọ là một biểu tượng cho sự sống lâu, cho khát vọng trường tồn cùng thời gian của văn hóa Trung Quốc. Thọ đại diện cho mong ước và khát khao của con người với nhiều ý nghĩa khác nhau:

  • Mừng thọ: Tiệc mừng sinh nhật của người cao tuổi.
  • Trường thọ: Chỉ người sống lâu.
  • Thọ mệnh: Số sống được cao tuổi.

3.1. Cách viết chữ Thọ

Chữ Thọ (寿) được tạo từ 5 bộ thủ:

  • Bộ Sĩ (士): Nghĩa đen là học trò, nghĩa bóng có thể hiểu là sự hiểu biết, sự tư duy.
  • Bộ Nhị (二): Nghĩa đen là hai, rộng hơn là các mối quan hệ bạn bè, người thân, xóm làng,…
  • Bộ Công (工): Nghĩa là vận động hay làm việc.
  • Bộ Khẩu (口): Nghĩa là miệng, là lời nói.
  • Bộ Thốn (寸): Nghĩa là sự mực thước (khuôn phép), tiêu chuẩn.

 3.2. Chữ Thọ trong thư pháp

Trong các câu chúc, thư pháp, chữ Thọ cũng thể hiện sự mong muốn qua: 

  • Phúc như đông hải – Thọ tỷ nam sơn.
  • Tùng kiểu chi thọ
  • Tam tiết lưỡng thọ.

chữ thọ

   >>> Tìm hiểu thêm: Ý nghĩa của 3 Chữ Phúc Lộc Thọ trong chữ Hán và cách sắp xếp Bộ Tam Đa hợp phong thuỷ

4. Ý nghĩa chữ Nhẫn (忍)

Chữ Nhẫn có hàm ý chỉ sự chịu đựng, không vội vàng, không nóng nảy, qua đó thể hiện tính cách bền bỉ, nhẫn nại. Bên cạnh đó, Nhẫn còn bao gồm một hàm nghĩa khác nữa là làm điều trái với lương tâm của mình hay gọi là nhẫn tâm, tàn nhẫn,…

4.1. Cách viết chữ Nhẫn

Chữ Nhẫn có 2 bộ chính:

  • Bộ Đao (刀).
  • Bộ Tâm (心).

Bên trên là chữ Nhẫn gồm chữ Đao (刀) với 1 điểm (刃), bên dưới là chữ Tâm (心). 

=> Mũi nhọn đâm vào tim nhưng vẫn chịu đựng được gọi là Nhẫn: Bất động, ý chí sắt đá, biết chịu đựng, kiên trì và nhẫn nại.

4.2. Nhẫn trong thư pháp

chữ nhẫn

Không chỉ là một trong những chữ Hán ý nghĩa sâu sắc nhất trong đời sống, chữ Nhẫn còn được các nghệ nhân, họa sĩ, thầy đồ khắc họa lên tranh, câu đối trở thành nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về mặt ý nghĩa lẫn kinh tế. Treo tranh chữ Nhẫn trong nhà như là một nguồn động lực lớn nhắc nhở gia chủ quyết tâm hơn trong mọi việc mới thành công được.

 5. Ý nghĩa chữ Đức (徳)

Chữ Đức trong đạo đức, là nét đẹp của con người thiện lương, sống đúng theo đạo làm người không có chấp niệm làm trái với luân thường đạo lý. Đức trong ân đức có nghĩa là được thụ ơn người khác, được người khác giúp đỡ phải biết nhớ lấy, phải biết giúp lại đời, sống vừa phải có đức cho mình và vừa tích đức cho con cháu.

Trên thực tế, phạm trù đạo đức bao hàm rất nhiều vấn đề. Nhưng chủ yếu, đạo đức luôn lấy chữ tình người làm trọng, có trật tự nề nếp, là người biết trên dưới trước sau, biết đúng sai phải trái.

5.1. Cách viết chữ Đức

Chữ Đức (徳) được tạo thành từ 5 bộ thủ:

  • Bộ Xích(彳): Ý chỉ những bước chân chậm rãi, từ từ, trường kỳ. Bộ Xích trong chữ Đức được hiểu là muốn rèn bất kì một phẩm chất nào cũng cần có thời gian rèn luyện, phải tích lũy qua từng ngày, không phải một bước mà thành.
  • Bộ Thập (十): Nghĩa đen là mười, hiểu rộng hơn là sự đầy đủ, trọn vẹn thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười. Ngoài ra, chữ Thập cũng ngụ ý với thế giới mười phương, bốn phương tám hướng. Bộ này xuất hiện trong chữ Đức với ý nghĩa, dù ở đâu làm gì cũng cần có đạo đức và đức hạnh để đối nhân xử thế.
  • Bộ Mục(目): Nghĩa là mắt, chỉ ý nói người có đức là người có con mắt tinh tường, nhờ đó có thể phân biệt được thị phi, đúng sai, thật giả.
  • Bộ Nhất(一): Nghĩa là một. Rộng hơn, bộ Nhất trong chữ Đức lại có ý tổng thể, toàn bộ, ngụ ý người có đức biết lấy đại cục làm đại cục,không tự lợi riêng cho mình. 
  • Bộ Tâm (心): Nghĩa là tâm. Một người muốn tu dưỡng đạo đức thì trước hết phải biết tu dưỡng nội tâm. Tâm là tâm hồn và tấm lòng, là cái bên trong chân thật nhất của con người, một người có đức chính là một người có tâm.

5.2. Chữ Đức trong thư pháp

6. Ý nghĩa chữ An (安)

Chữ An (hay Yên) là sự an toàn, ngụ ý bao hàm sự tĩnh lạnh, không bị quấy nhiễu cũng không bị phiền lòng, không có mối đe dọa nguy hiểm nào. Cuộc sống vốn xô bồ, do đó mỗi người chúng ta ai cũng mong mỏi có được 1 chữ An để an tâm, an toàn và an nhiên.

6.1. Cách viết chữ An

Chữ An ( 安) bao gồm 2 bộ:

  • Bộ Miên (宀) : Chỉ mái nhà.
  • Bộ Nữ (女): Chỉ nữ giới, người con gái.
  • Đây là chữ hội ý, người Trung Quốc quan niệm rằng người phụ nữ ở trong nhà là an toàn nhất, lúc nào cũng được chở che, được bao bọc, được bình an.

6.2. Chữ An trong thư pháp

   >>> Đọc ngay: Ý nghĩa chữ An trong tiếng Hán và một số từ ghép thông dụng

7. Ý nghĩa chữ Tâm (心)

Chữ Tâm dùng để chỉ trái tim, tấm lòng, tâm tư của con người. Sống có tâm là sống có lòng bao dung, biết nghĩ cho người khác và biết đặt mình vào tình huống của người khác để hiểu và hành xử cho đúng. Tâm trong chữ Hán ý nghĩa rất đa dạng và sâu sắc:

  • Chỉ các bộ phận quan trọng trong cơ thể: Tâm tạng (Quả tim) hoặc Tâm thất (Ngăn dưới trong tim). 
  • Chỉ điểm giữa, vị trí trung tâm: Trung tâm, trọng tâm, tâm điểm,…
  • Tượng trưng cho tấm lòng, tình cảm, tình yêu gia đình, hạnh phúc đôi lứa,...
  • Chỉ trạng thái tinh thần của con người: Tâm lý, tâm trạng,…
  • Chỉ phần linh hồn con người: Tâm hồn, tâm linh,…
  • Biểu trưng cho nhận thức, suy nghĩ và hành động: Tâm trí, tâm tình, tâm tư,...
  • Biểu trưng cho bản chất con người: Lương tâm, thiện tâm, dã tâm, tâm tính,…

ý nghĩa chữ tâm

7.1. Cách viết chữ Tâm

Chữ Tâm (心) gồm 4 nét, trên là phẩy, dưới gồm phẩy trái nét móc giữa và phẩy phải.
Tâm là chữ cái tiếng Trung tượng hình: 

  • Viết theo kiểu tiểu triện: Có hình trái tim.
  • Viết theo kiểu khải thư: Ở trên có ba cái cuống tim và phía dưới là hình túi chứa máu.

7.2. Chữ Tâm trong thư pháp

Đa số, những người yêu chữ thường treo chữ Tâm trong nhà để tự nhắc nhở mình phải phải biết sống có tâm, sống phải có tấm lòng với nhiều câu đối như:

   >>> Tham khảo ngay: Ý nghĩa Chữ Tâm trong quan niệm của người Trung và văn hoá Việt

8. Ý nghĩa chữ Vượng (旺)

Chữ Vượng có nghĩa gốc chỉ ánh sáng rực rỡ, suy rộng ra, Vượng còn có nghĩa là tươi sáng, đẹp đẽ. Sau này, chữ Vượng có ngụ ý chỉ những cái gì liên quan đến tăng trưởng, sinh sôi nảy nở đều là tốt đẹp, đại diện cho sự phát đạt nhiều lộc lá gắn liền với sự phồn vinh, hưng thịnh.

8.1. Cách viết chữ Vượng

Vượng ( 旺) gồm có 2 bộ thủ:

  • Bộ Nhật (日).
  • Bộ Vương  (王).
  • Ý nghĩa khi kết hợp 2 bộ này chỉ mặt trời mà làm vua trên bầu trời thì là mặt trời chói chang nhất, tốt đẹp nhất.

8.2. Thư pháp chữ Vượng

9. Ý nghĩa chữ Vinh (荣)

Chữ Vinh có nghĩa là sự vẻ vang hiển đạt, đồng thời Vinh cũng chỉ sự thịnh vượng và tốt tươi. Thường gặp nhất là người ta hay dùng từ phồn vinh để miêu tả sự phát triển đi lên hoặc những người giỏi được khen thưởng, tăng thêm thể diện, tài lộc thì hay được gọi là:

  • Vinh hiển.
  • Vinh dự.
  • Vinh hoa.
  • Vinh danh.

9.1. Cách viết chữ Vinh

Vinh (荣) gồm có 3 bộ thủ:

  • Bộ Thảo (艹): Chỉ cây cỏ.
  • Bộ Mịch (冖 ) : Che, trùm, đậy lên.
  • Bộ Mộc (木) : Cây, gỗ.

=> Vinh dự (荣 ) biết mấy khi cây cỏ nhỏ (艹) được sự che chở, bảo vệ (冖) từ cây gỗ lớn (木).

9.2. Chữ Vinh thư pháp

10. Ý nghĩa chữ Duyên (缘)

Duyên là sự gắn bó, kết nối và nó là kết quả đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà thành. Rõ hơn, Duyên được dùng rộng rãi trong vạn sự tùy duyên, nghĩa là mọi sự vật sự việc phải dựa vào nguyên cớ riêng của nó. 

Ngoài ra, Duyên còn có nghĩa là số phận, là định mệnh đã sắp đặt, hữu duyên hay có duyên phận. Đôi khi chữ Duyên cũng được sử dụng nhiều để chỉ nhân duyên của con người, mọi thứ đều có số mệnh, có duyên ắt gặp, vô duyên thì có cưỡng cầu cũng không được.

10.1. Cách viết chữ Duyên

Duyên ( 缘) gồm có 2 bộ:

  • Bộ Mịch(纟): Sợi dây để quấn lại.
  • Bộ Thoán (彖) : Lời giải trong kinh dịch. 

Khi đi xem quẻ thì có lời thoán, lời thoán có phán về duyên phận được kết nối lại với nhau bằng dây buộc, gọi đó là chữ Duyên.

10.2. Chữ Duyên trong thư pháp

11. Ý nghĩa chữ Hiếu

Chữ Hiếu có ý nghĩa đặc biệt trong đạo lý làm người, phải biết ơn, ghi nhớ công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, với những người đã nuôi nấng ta nên người. Thời xưa, chữ Hiếu được Nho gia rất coi trọng bởi đây là cái gốc làm người, sống trên đời nhất định phải tránh 3 điều bất hiếu lớn nhất: Trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất.

11.1. Cách viết chữ Hiếu

Chữ Hiếu (孝) gồm hai bộ phận là:

  • Bộ Lão (老): Chỉ người bề trên, cha mẹ, thầy giáo.
  • Bộ Tử  ( 子): Chỉ con cái.

=> Hiếu (孝) được ví như mối liên hệ mật thiết giữa lớp người trưởng lão và con cháu, một mối quan hệ chặt chẽ, con cháu phải biết kính nhường, hiếu thuận với bậc sinh thành. 

11.2. Thư pháp chữ Hiếu

12. Ý nghĩa chữ Phát

Chữ Phát thường được sử dụng với nghĩa chỉ sự dấy lên, nổi lên về cả số lượng và chất lượng nhận được nhiều tiền mà trở nên giàu có. Bình thường trong văn hoá Trung Quốc, vào dịp năm mới người ta hay chúc nhau phát tài, cung hỉ phát tài với ý nghĩa năm mới nhận nhiều tin vui, đạt nhiều tài lộc, gia chủ có nhiều cơ hội để thăng tiến, phát triển:

  • Phát lộc.
  • Phát tài.
  • Phát triển.
  • Đại phát.
  • Vượng phát.
  • Trường phát.

12.1. Cách viết chữ Phát

Chữ Phát (发) gồm một nét gấp khúc, nét phẩy, chấm ở trên và cuối cùng là bộ Hựu 又. 

12.2. Thư pháp chữ Phát

13. Ý nghĩa chữ Tuệ (慧)

Trong ngôn ngữ hàng ngày, khi nhắc đến chữ Tuệ người ta thường hiểu đơn giản Tuệ là sự hiểu biết và kiến thức. Theo nghĩa Hán-Việt, người có Tuệ có nghĩa là người thông minh, có tài trí, năng lực và tư duy.

  • Trí tuệ.
  • Thông tuệ. 

13.1. Cách viết chữ Tuệ

Tuệ ( 慧) gồm có:

  • Hai chữ Phong (丰) ở phía trên dưới có bộ Kệ (彐) gộp lại tạo thành chữ Tuệ (cái chổi, quét).
  • Sau đó là chữ Tâm (心).

ý nghĩa chữ tuệ

Người Trung Quốc cổ đại quan niệm rằng, trái tim là trung tâm của cơ thể con người, chủ đạo về suy nghĩ, tình cảm và tư duy. Trong cấu tạo chữ Tuệ còn có dụng ý cao thâm của các vị cao nhân học giả: Tâm không tốt, có nhiều bụi bặm dơ bẩn, nếu không dùng cái chổi để quét dọn sạch sẽ thì làm sao có trí tuệ? Một người có Tuệ phải biết chú ý tới hành vi của bản thân, có ý thức trách nhiệm với những gì mình nói và mình làm.

13.2. Tuệ trong thư pháp

chữ tuệ thư pháp

14. Ý nghĩa chữ Tĩnh (静)

Tĩnh (Hay Tịnh) chỉ sự yên lặng ổn định không phát ra ồn ào, không có sự xáo trộn và không cần bon chen với thế sự. Người tĩnh tâm phải biết giữ cho lòng, cho tâm mình được trong sạch, giữ cho mình bình thản trước cuộc đời xô bồ, trước những biến cố đau thương hay trước những lời gièm pha xầm xì,…

14.1. Cách viết chữ Tĩnh

Chữ Tĩnh (静) gồm:

  • Bên trái là chữ Thanh (青): Mang nghĩa là màu xanh.
  • Bên phải là chữ Tranh 争: Trong tranh giành, tranh đoạt.

14.2. Thư pháp chữ Tĩnh

15. Ý nghĩa chữ Cát (吉)

Đại đa số chúng ta đều biết đến chữ Cát ( 吉) với ý nghĩa tốt lành, mang đến sự may mắn, vui vẻ trong cuộc sống (Trái ngược với hung).

15.1. Cách viết chữ Cát

Cát ( 吉) gồm có:

  • Bộ Sĩ (士): Chỉ người có học vấn.
  • Bộ Khẩu (口): Chỉ cái miệng, biểu thị lời nói.

Để giải thích một chữ Hán ý nghĩa, người Trung Quốc xưa đã dựa vào tự hình để nói lên nguồn gốc của hình dáng chữ đó. Phần bộ Sĩ phía trên (士) giống với binh khí (mũi tên), phần dưới là bộ Khẩu biểu hiệu cho dụng cụ đựng binh khí. Khi kết hợp lại, binh khí khi được cất giữ trong túi có nghĩa là không có chiến tranh, nhân dân có được cuộc sống bình an, tốt lành.

15.2. Chữ Cát trong thư pháp

16. Ý nghĩa chữ Hỷ (喜)

Trong tiếng Trung, chữ Hỷ được dùng phổ biến với nghĩa là vui mừng, phấn khởi thường đi đôi với nhau tạo thành Song Hỷ (Nhân đôi sự vui mừng, phấn khởi). Chữ Hỷ được dùng phần đa trong những việc vui mừng như cưới xin, dạm ngõ hay mừng tân gia,…

  • Hỷ sự.
  • Hoan hỷ.
  • Hỷ triệu.

Bên cạnh đó, Hỷ cũng có ý nghĩa quan trọng trong mỗi con người, đại diện 1 trong 7 dạng tình cảm: 

  • Hỷ.
  • Nộ.
  • Ai.
  • Lạc.
  • Ái.
  • Ố.
  • Dục.

16.1. Cách viết chữ Hỷ

Hỷ (喜) là sự kết hợp của các bộ:

  • Bộ Trú (壴) : Là một chữ tượng hình miêu tả một loại nhạc cụ dạng trống, ở giữa là mặt trống, trang trí phía trên và ở dưới là đế trống.
  • Bộ Khẩu (口) : Ở phía dưới biểu thị cho lời hát, lời chúc mừng. 

=> HỶ (喜) là tay đánh trống miệng hò reo chúc mừng hay có nghĩa là việc tốt lành, việc vui mừng.

16.2. Chữ Hỷ thư pháp

17. Ý nghĩa chữ Tài (才)

Trong tiếng Trung, Chữ tài (才) được dùng chỉ tài năng, có năng lực thiên phú hơn người bình thường trong phạm trù hoặc một lĩnh vực nào đó:

  • Tài năng.
  • Tài nghệ.
  • Tài đức.
  • Tài nhân.

Hoặc Tài  (财) cũng được dùng với ý nghĩa tiền bạc của cải vật chất:

  • Tài sản.
  • Tài lộc.

Trong kinh doanh, người ta thường tặng nhau bức thư pháp có chữ Tài để chúc nhau làm ăn tốt, thuận lợi và phát đạt. 

17.1. Cách viết chữ Tài

Chữ Tài ( 才) này rất đơn giản, dễ viết với 3 nét chữ “ 一丨ノ”. Ngược lại, chữ Tài (财) thuộc bộ Bối theo kiểu lục thư Hình thanh & Hội ý được ghép bởi 2 bộ phận (贝) để lấy nghĩa và (才) để lấy âm với 7 nét, viết theo thứ tự: 丨 フ ノ 丶 一丨ノ.

17.2. Chữ Tài trong thư pháp

   >>> Xem thêm: Chữ Tài tiếng Hán | Ý nghĩa, Cấu trúc & cách viết chữ Tài trong tiếng Trung

18. Ý nghĩa chữ Vạn (卍)

Vạn trong chữ Hán ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, đại diện cho vũ trụ hay hệ mặt trời là nơi phát sinh nguồn sống vô tận và vĩnh cửu. Hình ảnh chữ Vạn cũng xuất hiện rộng rãi trong chùa chiền, các nghi lễ tôn giáo khác được giải thích là 12 tướng tốt của Phật giáo, đại biểu cho sự rộng lớn quảng đại của Phật pháp trong việc chở che, bảo hộ và giúp người nhận được may mắn.

ý nghĩa chữ vạn

Ở Trung Quốc, Vạn với nghĩa gốc là "10 ngàn" nhưng còn có nghĩa chuyển là "mọi thứ" trong câu “Vạn sự như ý". Về cách viết, chữ Vạn ( 卍 )  gồm có bộ Thập ở giữa và các gạch nối xung quanh nhưng bằng nhau và vuông với các vạch liền kề tạo ra một góc vuông.

Lời kết

Vốn dĩ chữ Hán trong tiếng Trung rất khó học nếu bạn không biết ý nghĩa cụ thể của các bộ thủ cấu thành trong chúng. Hi vọng qua những phân tích cụ thể trong bài viết Chữ Hán ý nghĩa này sẽ giúp cho các bạn học viên dễ dàng hơn trong việc ghi nhớ và nói viết tiếng Trung. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu chữ Hán nào, đừng ngại bình luận để chúng tôi giải đáp nhé! 

Bạn đang xem: Top 18 chữ Hán ý nghĩa nhất mà bạn nên biết khi học tiếng Trung
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0345591231