Chữ Hán là gì? Các dạng chủ yếu của chữ Hán hiện nay | NHT Books

Chữ Hán là gì? Các dạng chủ yếu của chữ Hán hiện nay

Trần Công Tráng 18/11/2022
NHT Books

Chữ Hán là gì? Chữ Hán có những dạng nào? Cấu tạo của chữ Hán ra sao? Hãy cùng Nhớ Hán Tự tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!

Chữ Hán là gì? Chữ Hán là một trong những văn tự cổ nhất trên thế giới. Nó đã trải qua một quá trình phát triển năm sáu ngàn năm và hiện nay ước tính có khoảnh một phần tư dân số thế giới sử dụng chữ Hán. Trong lịch sử văn hóa lâu đời của Trung Quốc, chữ Hán đã có những đóng góp rất lớn. Nghệ thuật viết chữ Hán đẹp là một bộ phận kho tàng văn hóa nghệ thuật quý báu của dân tộc Trung Hoa và một số dân tộc khác ở châu Á như ở Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

(Trích Lời nói đầu sách Tìm Về Cội Nguồn Chữ Hán - Tác giả Lý Lạc Nghị)

chữ hán là gì

Chữ Hán là gì?

Chữ Hán (hay còn gọi là Hán tự hay chữ Trung Quốc) là một chữ viết của người Hán thời xưa. Chữ Hán truyền thống ra đời được sử dụng như là một cách để ghi lại những câu chuyện lịch sử, văn hóa, tư tưởng của dân tộc. Mỗi ký tự được khắc hoạ với một câu chuyện ý nghĩa về gia đình, truyền thống đất nước, tính lễ nghĩa,... Chữ Hán được chia làm 2 lại chính:

+ Chữ phồn thể - Chữ Hán cổ: Có nhiều đường nét, mang tính tượng hình cao.
+ Chữ giản thể - Chữ Hán hiện đại: Đã được giản lược đi nhiều nét trong chữ Hán cổ, dễ nhớ và viết nhanh hơn, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại.

Chữ Hán có nguồn gốc bản địa và sau đó du nhập sang các nước lân cận trong khu vực Đông Á bao gồm: Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Trên nền tảng chữ Hán của Trung Quốc, qua nhiều thời gian nó được các quốc gia này vay mượn để cải biến, sử dụng với nhiều nghĩa khác nhau, tạo nên ngôn ngữ chính cho riêng mình và phù hợp với nhu cầu giao tiếp của người dân bản địa từng nước. 

Ví dụ: Người Nhật đã sáng tạo ra chữ Nhật dựa trên nền tảng chữ Hán của người Trung, tương tự như bảng chữ Hán tự, Nhật Bản cũng có tạo ra các phiên bản:

+ Chữ cứng Katakana.
+ Chữ mềm Hiragana.
+ Hán tự (chiếm tỷ lệ lớn).

chữ Hán

Tại Việt Nam, chữ Hán cổ đã được ông cha ta dùng để sáng tạo ra:

+ Chữ Nho: Đây là một sáng tạo xuất sắc về ngôn ngữ, phương pháp này dùng từ Hán - Việt để phiên âm ra chữ Hán tạo thành chữ Nho. Loại chữ này được dùng trong các văn bản hành chính, hoành phi câu đối, thư pháp ở Việt Nam thời xưa. 
+ Chữ Nôm: Được xây dựng trên cơ sở chữ Hán đọc theo phiên âm Hán-Việt, kết hợp giữa hai yếu tố là biểu ý và biểu âm. Ban đầu, chữ Nôm mượn dưới dạng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt. Theo thời gian, người Việt dùng cách ghép hai chữ Hán để tạo ra một chữ mới vừa gợi âm vừa gợi ý, phát âm theo tiếng của người Việt Nam.

Trong lịch sử phát triển của các triều đại phong kiến Trung Quốc, đã có nhiều đời dùng văn tự chữ Hán để viết và được sử dụng rộng rãi trong các thể văn chương bát cổ. Ngày nay, để phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại, Chính phủ Trung Quốc đã thống nhất dùng chữ viết và ngữ pháp giản thể để tạo ra tiếng phổ thông Trung Hoa (hay còn gọi là tiếng Quan thoại - tiếng Bắc Kinh).

Các dạng chủ yếu của chữ Hán

Cho đến ngày nay, có rất nhiều sự tích, truyền thuyết về nguồn gốc ra đời của chữ Hán. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu đã chứng minh được rằng chữ Hán có nguồn gốc từ rất lâu, đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy. 

Theo các nhà khảo cổ, chữ Hán được phát triển qua nhiều quá trình. Cụ thể, từ Chữ Giáp Cốt -> Chữ Kim Văn -> Triện Thư -> Lệ Thư -> Khải Thư.

các dạng chữ Hán

1. Giáp Cốt Văn

Chữ Giáp Cốt được xem là chữ Hán cổ xưa nhất, xuất hiện vào thời nhà Ân khoảng 1600 – 1020 TCN. Giáp Cốt Văn có nhiều giai đoạn khác nhau, tuy nhiên, Giáp Cốt Văn thời Vũ Đinh được xem là hoàn chỉnh nhất và được phát hiện với số lượng lớn nhất. Các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 15 vạn mảnh xương thú, mai rùa có khoảng 4500 chữ Giáp Cốt được khắc trên đó. 

Nội dung của chủ yếu của các Văn Tự Giáp Cốt là nói về việc bói toán, ghi chép về khí tượng, địa lí, thiên văn… để phục vụ cho tầng lớp vua chúa thời xưa. Chữ Giáp Cốt sử dụng các phương pháp tượng hình, chỉ sự, hội ý, nét bút thẳng để tạo thành những kết cấu từ và những câu đơn giản, dựa vào đó con người có thể nhìn vào đó để đoán được ý nghĩa. 

2. Kim Văn

Kim Văn (hay Chung Đỉnh Văn) là loại chữ được khắc trên đồ kim khí, cụ thể hơn là ở trên các chuông và vạc. Chữ Kim văn là bước kế thừa của chữ Giáp Cốt, được ra đời vào cuối đời nhà Thương. Vào thời điểm này, đời Tây Chu cực kỳ thịnh hành đồ đồng nên có rất nhiều bài văn được đúc khắc trên các đồ đồng. 

Dựa vào 4 thời kỳ phát triển, Kim Văn được chia làm 4 loại như sau:

+ Khoảng năm 1300-1046 TCN: Ân Kim Văn.
+ Khoảng năm 1046-771 TCN: Tây Chu Kim Văn.
+ Năm 770-222 TCN: Đông Chu Kim Văn.
+ Năm 221-219 TCN: Tần Hán Kim Văn.

3. Tiểu Triện

Tiểu triện có nguồn gốc từ chữ Triện thư – thể chữ lưu hành dưới thời Tây chu trước thời kỳ Chiến quốc. Bởi vì chữ triện có cách viết phức tạp, hình chữ kì lạ lại có thể tùy ý thêm nét cong, nên người xưa thường dùng để khắc ấn triện, đề phòng giả mạo.

chữ hán có những dạng nào

Triện thư được chia làm 2 loại chính:

+ Đại triện: Thể chữ phát triển từ Kim văn, lưu hành vào thời Tây Chu, có nhiều dị thể ở các nước khác nhau.
+ Tiểu triện: Tiểu triện (hay Tần triện) là văn tự được sử dụng đầu tiên sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN và sau đó bị thay thế bởi Lệ thư với lối viết đơn giản hơn.

4. Lệ Thư

Lệ thư (hay chữ Lệ) là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển chữ Hán, đánh dấu việc chữ Hán hoàn toàn thoát khỏi hệ thống tượng hình, bước đầu chuyển mình sang văn tự thực sự với tính ước lệ cao. Lệ thư xuất hiện từ thời Chiến Quốc, người ta thường cho rằng, chữ Lệ ở đây là “Lệ Thuộc”. Về cơ bản, chữ Lệ khá giống với chữ Khải ngày nay nhưng hình chữ hơi bẹt. Nó được chia làm 2 thời kỳ: 

+ Tần Lệ: Mang nhiều đặc điểm của Chữ Triện.
+ Hán Lệ: Hoàn toàn thoát thai khỏi Triện Thư.

5. Khải Thư

Khải thư là bước phát triển hoàn thiện nhất, nó được ra đời vào khoảng vào nhà Hán, hoàn thiện vào đời Ngụy Tấn và phát triển rực rỡ vào đời Đường. Ở thời kỳ đầu, Khải Thư có chút xu hướng của chữ Lệ, nhưng cũng rất ít tiến bộ và được lưu truyền đến ngày nay. Với tính chất quy chuẩn, kết cấu chặt chẽ, nét bút chỉnh tề, đơn giản dễ viết, nó đã được sử dụng chính thức và rộng trong các sản phẩm in ấn.

6. Hành Thư

Theo các nguồn nghiên cứu ngày nay, Hành thư ra đời gần như song song với chữ Khải. Có thể nói Hành thư là dạng chữ khải viết nhanh, nó đạt đến trình độ cao nhất vào thời Ngụy Tấn. Ngày nay, với cách viết tự do, nhanh chóng, không đến mức quá phóng túng, tính thực dụng lại cao nên chữ Hành vẫn được sử dụng rất phổ biến trong quá trình viết thư từ và các bản chép tay.

7. Chữ Giản Thể

chữ Hán giản thể

Chữ Giản thể (Hay Tiếng Trung giản thể) là phiên bản rút gọn của chữ Hán phồn thể, được sử dụng chính thức tại Trung Quốc đại lục, Singapore. Năm 1949, Trung Quốc cải cách chữ viết với số lượng nét viết ít hơn, nhằm đơn giản hóa chữ Hán đối với người học, từ đó chữ giản thể được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các tài liệu giảng dạy tiếng phổ thông Trung Quốc, cũng như là giáo trình dành cho người nước ngoài bởi tính dễ học, dễ nhớ, thuận tiện trong việc in ấn.

6 cách cấu tạo chữ Hán phổ biến nhất

Tượng hình

Chữ tượng hình là hệ thống chữ viết đối lập với chữ tượng thanh, căn cứ dựa trên hình tượng của sự vật mà tạo ra chữ viết. Nếu trong hệ thống chữ tượng thanh, mỗi một chữ cái sẽ tương ứng với một âm hay một tổ hợp âm, thì ngược lại, trong hệ thống chữ tượng hình mỗi một ký hiệu sẽ tương ứng với một từ hay một hình vị. Các chữ cái tượng hình rất dễ nhận biết và đơn giản.

Ví dụ: Chữ Sơn(山) có nghĩa là núi, chữ tượng hình được vẽ như hai ngọn núi chồng lên nhau.

Chỉ sự

Chữ chỉ sự (hay chữ Biểu Ý) là loại chữ Hán được phát triển cao hơn một bước để đáp ứng đủ nhu cầu diễn tả những sự việc đó. 

Ví dụ: Chữ Bản (本) có nghĩa là “gốc rễ của cây” thì người ta sẽ dùng 2 chỉ sự để nhằm diễn tả ý nghĩa:

+ Chữ Mộc (木).
+ Thêm gạch ngang ở dưới.

Hội Ý

Chữ Hội Ý (hay Tượng ý) là một loại chữ có nhiều phần, mỗi phần sẽ có một nghĩa, khi hợp các nghĩa của từng phần sẽ có nghĩa của toàn chữ. Cho đến ngày nay, để tăng thêm vốn từ vựng cho chữ Hán, người ta đã có nhiều phương pháp tạo ra nhiều chứ mới, ý nghĩa mới dựa trên chữ Hội Ý.

cấu tạo của chữ hán

Ví dụ:

+ Chữ Lâm (林: rừng nơi có nhiều cây) = 2 chữ Mộc (木) ghép lại đứng cạnh nhau.
+ Chữ Sâm (森: rừng rậm nơi có rất nhiều cây) = 3 chữ Mộc (木) ghép lại đứng cạnh nhau.
+ Chữ Minh (鳴: kêu, hót) = Chữ Điểu (鳥: con chim) + chữ Khẩu (口: mồm).
+ Chữ Thủ (取: cầm, nắm) = Chữ Nhĩ (耳: tai) của động vật + Chữ Tay (chữ Thủ 手 + chữ Hựu 又).

Hình thanh

Chữ hình thanh chiếm tới 80% toàn bộ chữ Hán, là những chữ được cấu tạo bởi hai thành phần:

+ Nghĩa phù: Gợi ý.
+ Thanh phù: Gợi âm.

Ví dụ:

Chữ Vị (味: mùi vị):

+ Nghĩa phù = bộ thủ Khẩu 口: chỉ việc liên quan đến ăn hoặc nói.
+ Thanh phù = chữ Vị 未 (nghĩa chưa, ví dụ vị thành niên). 
+ Ý nghĩa: Lối tạo chữ hình thanh của chữ Vị 味 thể hiện ý nghĩa liên quan tới việc ăn/nói.

Chữ Vị (味: Mùi):

+ Nghĩa phù: Nghĩa của nó là mùi.
+ Thanh phù: Vị 未 dùng mang âm mùi hoặc dùng trong cách gọi địa chi thứ tám (tương ứng với con dê).

Như vậy, bằng lối tạo chữ hình thanh, chữ Mùi 味 cũng được diễn giải là nghĩa phù Khẩu 口 với tác dụng gợi nghĩa, nói lên sự ăn uống và thanh phù Mùi 未 thể hiện cách đọc chữ này.

Giả tá

Chữ giả tá là những chữ không có thất, được hình thành dựa theo phương pháp bằng cách mượn chữ có cùng cách phát âm để cho ra ý nghĩa khác (Hiểu đơn giản là từ đồng âm khác nghĩa, đọc giống nhau nhưng khác nghĩa). Bốn cách tạo chữ:

+ Tượng hình.
+ Chỉ sự.
+ Hội ý.
+ Hình thanh.

Và hai cách sử dụng chữ:

+ Chuyển chú.
+ Giả tá.

Ví dụ:

+ 令 Lệnh = trong chữ “mệnh lệnh”, “hiệu lệnh” 🡺 được mượn làm chữ “lệnh” trong “huyện lệnh”.
+ 道 đạo = con đường 🡺 sau giả tá thành đạo trong “đạo lý”, “đạo đức”.

Chuyển chú

Chuyển chú là chữ Hán được hình thành bằng cách dùng một chữ có sẵn, sau đó được thêm các nét để tạo ra chữ mới mang ý nghĩa gần nhau.

cấu tạo chữ hán

Ví dụ:

+ Chữ Lão (老): Già, cũ => Chữ Khảo (考): Sống lâu, già, cũ.

Cách vay mượn giữa tiếng Hán và tiếng Việt

Trong lịch sử, Trung Quốc là quốc gia có nền văn minh tiên tiến nhất châu Á và có sức ảnh hưởng lớn đến các nước trong khu vực, đặc biệt nền văn hóa Hán ngữ của họ có sức đồng hóa rất mạnh.

Việt Nam đã trải qua một ngàn năm Bắc thuộc, bị bọn phong kiến người Hán thống trị và cưỡng bức đồng hóa nhưng chúng ta không hề bị Hán hoá mà ngược lại, chúng ta vẫn giữ được nguyên nòi giống, tiếng nói, phong tục tập quán. Tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã từng nói rằng “Tiếng ta còn thì nước ta còn!” – Nếu người Hán có thể tự đọc chữ Hán theo âm riêng của vùng, thì chúng ta cũng có thể đọc chữ Hán theo âm riêng của người Việt.

Như vậy, bằng cách sáng tạo trong cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt, ông bà ta đã thành công trong việc vay mượn chữ Hán để dùng làm chữ viết chính thức của dân tộc mình. Sự vay mượn này không làm cho tiếng Việt bị biến mất mà còn làm cho nó phong phú hơn, trở thành một ngôn ngữ cực kỳ linh hoạt, vừa có thể tiếp nhận, hấp thu và phát triển vốn từ, vừa có thể vô hiệu hoá chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của triều đại phong kiến Trung Hoa.

cách vay mượn tiếng hán và tiếng việt

Từ mượn tiếng Hán có vai trò nhất định trong tiếng Việt, chiếm đến hơn 60% tổng số từ vựng tiếng Việt, chúng ta vay mượn tiếng Hán để phục vụ hai mục đích chính:

+ Thứ nhất, dùng để bổ sung những từ còn thiếu. Trong thời kỳ đầu, Tiếng Việt còn thiếu nhiều từ, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, pháp luật, giáo dục, nghệ thuật… Vì vậy, người Việt có thể vừa tạo nên hệ thống từ mới dựa trên việc vay mượn một số lượng lớn từ tiếng Hán.

+ Thứ hai, tạo ra vốn từ có sắc thái nghĩa khác đã có trong tiếng Việt. Trong giao tiếp hằng ngày, tiếng Việt không thể biểu thị được những sắc thái ý nghĩa trang trọng hay khái quát. Để khắc phục tình trạng này, tiếng Việt có vay mượn một số từ ngữ tiếng Hán có nghĩa cơ bản giống với tiếng Việt nhưng được bổ sung thêm một ý nghĩa khác.

Có thể nhìn nhận rằng, sự du nhập của chữ Hán vào nước ta đã làm cho các giá trị văn hóa thay đổi mạnh mẽ, góp phần phong phú thêm từ vựng tiếng Việt. Hệ thống từ mượn tiếng Việt cũng rất đa dạng, mặc dù vay mượn từ người Hán nhưng khi sử dụng đã được Việt hóa về chữ viết, ngữ âm, ngữ nghĩa để có diễn tả một cách trọn vẹn đầy đủ các sự vật, hiện tượng mới mà chỉ có người Việt mới hiểu được.

Thay đổi kết cấu

tiếng Hán và tiếng Việt

Dễ thấy nhất trong tiếng Việt là xu hướng rút gọn hàng loạt từ ghép thành từ đơn: 

+ Văn: văn chương, văn học;
+ Lệnh: mệnh lệnh;
+ Đảm: đảm đương;
+ Hạn: kỳ hạn;
+ Hỗn: hỗn hào;
+ Điệu: yểu điệu;
+ Nghiệt: khắc nghiệt;

Đã thế, người Việt chúng ta lại phát triển thành từ ghép theo công thức Việt Nam: Từ Việt + Từ Hán. 

Ví dụ: cảm mến, bao gồm, bày biện, biến đổi, bồi đắp, kỳ lạ, sống động,...

Ngay cả với những từ ghép mang gốc Hán hoàn toàn, khi trở thành từ Hán - Việt thì đã được ta chuyển đổi vị trí:

Ví dụ: 

+ Náo nhiệt (Hán: nhiệt náo);
+ Di chuyển (chuyển di);
+ Tố cáo (cáo tố);
+ Phóng thích (thích phóng);

Vẫn có những từ ghép hoàn toàn mang gốc Hán, song người Việt đã thêm, bớt để tạo ra nghĩa mới để dùng riêng:

Ví dụ:

+ Họa sĩ (tiếng Việt) - họa sư/họa công (tiếng Hán);
+ Tường tận (tiếng Việt) - tường tế (tiếng Hán);

Thậm chí, những kết cấu ngôn ngữ Hán rất ổn định (gọi là thành ngữ) cũng phải được thay đổi để trở thành các thành ngữ Hán - Việt:

Ví dụ:

+ Tác oai tác quái (Hán - Việt) - Tác uy tác phúc (Hán);
+ Khẩu phật tâm xà (Hán - Việt) - Phật khẩu xà tâm (Hán);
+ Thượng lộ bình an (Hán - Việt) - Nhất lộ bình an (Hán);

Thay đổi ngữ nghĩa

Với những từ ghép Hán ngữ đa nghĩa, đôi khi chúng ta chỉ chọn một số ý nghĩa nào đấy mà thôi:

+ Chẳng hạn như từ “phù phiếm”, người Việt ta chỉ dùng nghĩa bóng là “không thiết thực” mà không dùng nghĩa đen là “ngồi thuyền dạo chơi”.

Trong nhiều trường hợp, khi vay mượn từ gốc Hán, người Việt sẽ chủ động phát triển thêm một vài nghĩa không có trong tiếng Hán.

+ “Đinh ninh” trong tiếng Hán vốn có nghĩa “dặn dò”, khi trở thành từ Hán - Việt thì có thêm nghĩa mới là “yên trí”.
+ Từ “bồi hồi” vốn có nghĩa “đi đi lại lại” nhưng người Việt còn hiểu là “bồn chồn, lòng dạ không yên”.

Không chỉ vậy, người Việt còn có cách tạo ra từ mới rất táo bạo bằng cách thay đổi toàn diện ý nghĩa: Vay mượn về mặt hình thức, song ý nghĩa lại khác hoàn toàn. Với những trường hợp này, sự Việt hóa trong tiếng Việt đã đạt đến mức triệt để:

+ Từ “khôi ngô” trong tiếng Hán có nghĩa “to lớn” => qua từ Hán - Việt lại có nghĩa “thông minh”.
+ Từ “mê ly” trong tiếng Hán có nghĩa “mơ hồ, không rõ” => sang từ Hán - Việt có nghĩa “rất hay, rất hấp dẫn”. 
+ Từ “lẫm liệt” trong tiếng Hán có nghĩa là “rét mướt” => từ Hán - Việt có nghĩa “oai phong”. 

Thay đổi màu sắc tu từ

Thông thường, so với hai từ đồng nghĩa, tức là một từ Hán - Việt và một từ Việt, thì khi dùng từ Hán - Việt sẽ mang tính trịnh trọng, hoặc lịch sự hơn:

+ Phụ nữ = đàn bà;
+ Nhi đồng = trẻ em;
+ Phu nhân = vợ; 
+ Mẫu tử = mẹ con; 
+ Trường thọ = sống lâu; 
+ Từ trần = chết;

Tuy nhiên, đôi khi cũng có những từ Hán - Việt lại mang màu sắc tu từ trái ngược so với từ gốc Hán:

+ “Thủ đoạn” trong tiếng Hán có nghĩa “phương pháp, kỹ pháp”, song đối với người Việt thì đây là từ chỉ “mưu mẹo, mánh khóe” theo nghĩa xấu hơn. 
+ “Dã tâm” trong tiếng Hán chỉ mang nghĩa “tham vọng”, song khi nó biến thành từ Hán - Việt thì có nghĩa “lòng dạ hiểm độc”.

Việc vay mượn tiếng Hán có vai trò quan trọng trong giao tiếp, mang lại nhiều lợi ích cho tiếng Việt. Tuy nhiên, người dân Việt Nam không hề lạm dụng nó mà đã sáng tạo, tiếp thu để làm cho ngôn ngữ của nước ta đa dạng, linh hoạt hơn.

Chúng ta cần phải có ý thức trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vay mượn tiếng Hán là chính đáng, nhưng chúng ta phải luôn tôn trọng, nghiêm túc đối với tiếng nói và chữ viết của dân tộc. Dùng từ đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng đó là cách để người Việt phát huy được giá trị của tiếng Việt dựa trên nguồn gốc vay mượn chữ Hán.

Hy vọng những chia sẻ trên đây đã có thể giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc Chữ Hán là gì cũng những có được những thông tin hữu ích trong quá trình tìm hiểu về chữ Hán. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào cần Nhớ Hán Tự giải đáp xin vui lòng để lại trong phần bình luận dưới bài viết!

Bạn có thể tham khảo thêm: Chữ Nôm là gì? Phân biệt định nghĩa chữ Nôm, chữ Hán và chữ Quốc ngữ

Bạn đang xem: Chữ Hán là gì? Các dạng chủ yếu của chữ Hán hiện nay
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0345591231