Những năm gần đây, bộ môn nghệ thuật thư pháp đang bắt đầu khởi sắc trở lại và trở thành trào lưu phát triển khá phổ biến. Sự xuất hiện của thư pháp hiện đại là sự đột phá mới mang tính sáng tạo trong nghệ thuật mạnh mẽ nhưng vẫn đậm nét truyền thống và phong cách cổ xưa. Không chỉ xuất hiện trên những tấm thiệp vào dịp Tết, xin chữ, thư pháp chữ Hán còn được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm trang trí, ở các không gian trà đạo, CLB nghệ thuật dân gian,…
Nhờ đó, cùng với thời gian, đam mê theo học viết thư pháp chữ Hán của các bạn trẻ ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu ấy, mời bạn cùng NHT Books tìm hiểu cách viết thư pháp chữ Hán cũng như một số lưu ý trong quá trình luyện viết qua bài đọc này nhé!
4 vật dụng “không thể thiếu” khi viết thư pháp
Thư pháp viết chữ Hán là một nghệ thuật góp phần rèn luyện và nâng cao khiếu thẩm mỹ của con người. Xưa, người Trung Quốc từng nói: “Thư pháp khả dĩ tu tâm dưỡng tánh, đào dã tâm tình” - Thư pháp có thể giúp ta tu tâm, dưỡng tánh và rèn luyện tình cảm.
Theo truyền thống, bửu bối trong văn phòng tứ bảo gồm có:
Giấy (chỉ).
Mực (mặc).
Nghiên (nghiễn).
Bút (bút).
1. Giấy
Ngày trước, giấy cho dân nhà nghề là giấy Tuyên, có hai loại:
- Sinh chỉ: Giấy sống, chưa nhúng phèn, dùng cho thư pháp.
- Thục chỉ: Giấy chín, đã nhúng phèn, dùng cho hội họa.
Theo thị trường hiện nay thì có 8 loại vở kẻ ô cơ bản để tập viết, bao gồm:
- Mễ tự cách.
- Điền tự cách.
- Ô vuông.
- Hồi cung cách.
- Trung cung cách.
- Giấy kẻ dọc.
- Giấy kẻ ngang.
Trong quá trình luyện tập, mỗi loại kẻ ô có công dụng và phù hợp với từng đối tượng và giai đoạn khác nhau. Sử dụng phổ biến nhất là 2 loại ô mễ tự và điền tự.
2. Mực
+ Mực có hai loại:
- Mực thỏi: Chất keo, loại tốt thường có mùi xạ hương. Mực tốt thì sau khi viết xong, bồi tranh chữ sẽ không bị nhoè mực.
- Mực nước: Tiện dụng nhưng không đủ độ sánh, khi dùng cần mài thêm mực thỏi để tăng độ sánh đặc.
+ Cách dùng mực (mặc pháp) rất quan trọng nhằm tạo ra các hiệu quả khác nhau trên từng chất liệu hay các loại giấy. Mài mực cũng là cách để người viết tập cổ tay trước khi cầm bút viết chữ.
3. Nghiên
+ Nghiên mực đa dạng kiểu dáng, nhưng nguyên tắc chung là có một độ nghiêng nhỏ để cho mực đọng về một phía. Khi mài mực, hãy nhỏ một vài giọt mặc trấp vào cho hơi ướt đáy nghiên rồi mài thỏi mực theo chiều kim đồng hồ, thỉnh thoảng người viết nhỏ thêm vài giọt mặc trấp.
+ Pha chế vừa đủ cho một lần sử dụng, không đổ quá nhiều mặc trấp vào nghiên. Mực nếu dùng không hết sẽ đọng thành vẩy và cặn cáu trên nghiên.
4. Bút
Bút có nhiều loại:
- Tiểu.
- Trung.
- Đại.
Lông bút cũng có nhiều loại:
- Loại cứng (Như lông sói): Thích hợp để viết chữ.
- Loại mềm (Như lông thỏ): Thích hợp để vẽ.
- Loại pha trộn các loại lông (Theo một tỉ lệ): Thích hợp cho cả vẽ tranh và viết chữ.
Nói chung, tùy theo trường hợp và hiệu quả mong muốn mà bạn sử dụng các loại bút khác nhau. Ngày nay, có nhiều loại bút để viết chữ Hán: Bút chì, bút gel, bút máy, bút bi, bút đầu mềm,... Loại bút phù hợp cho người mới luyện viết nhất là bút máy và bút gel với cỡ ngòi phổ thông 0.7mm.
>>> Có thể bạn chưa biết: Chiết tự chữ Hán là gì? Phương pháp ghi nhớ chữ Hán siêu nhanh, dễ dàng
Hướng dẫn chi tiết cách viết thư pháp chữ Hán đúng cách
Việc biểu hiện mỹ cảm nghệ thuật thư pháp chữ Hán tại Việt Nam phải đảm bảo nét bút:
- Mềm mại mà không yếu đuối.
- Sâu lắng mà không trầm tích.
- Phóng mà không cuồng.
Để viết được thư pháp bằng chữ Hán, bạn cần phải am hiểu về ý nghĩa của các chữ, nắm bắt được nền tảng kiến thức thâm sâu về việc kết hợp, phân bố hình khối và tạo dáng chữ qua từng đường nét. Trong một chữ và giữa các chữ có tiết tấu, có trọng có khinh, thô - tế, nhanh - chậm, bút đoạn ý liên, trước sau nhòm ngó đảm bảo hài hòa âm dương, cân đối thực và ảo, tự nhiên trong từng nét, từng chữ. Thông qua tác phẩm, có thể thấy được tinh thần, tâm tư của người viết.
Muốn viết chữ đẹp trước tiên phải có kỹ pháp, có kết tự, chương pháp (đây là những yếu tố cơ bản nhất):
Bắt đầu luyện thư pháp từ việc chọn thể chữ
Các thể chữ trong chữ Hán mà các bạn có thể lựa chọn:
+ Triện thư: Có lịch sử lâu đời và được lưu hành rộng rãi, gồm Đại Triện và Tiểu Triện. Đây là loại chữ thư pháp kiểu cổ, các nét thanh và có bố cục đơn giản. Kiểu chữ này thường được dùng để viết thư pháp hoặc khắc ấn chương.
+ Lệ thư: Giống chữ Triện nhưng được phát triển cao hơn, chuyển nét bút tròn của Triện sang nét vuông nhằm tăng thêm sự mạnh mẽ cho con chữ. Đồng thời, Lệ lược bớt các chi tiết rườm rà và tối giản hóa các đường nét, tuy nét cong vẫn chịu ảnh hưởng của kiểu chữ Triện.
+ Khải thư: Được sử dụng phổ biến và thông dụng nhất trong lĩnh vực quảng cáo, in ấn. Đặc biệt, rất thích hợp dành cho những người mới bắt đầu học chữ Hán. Khải có bố cục ngay ngắn theo dạng hình vuông, viết chậm rãi và cẩn thận. Trong quá trình viết, ngọn bút được nhấc lên khỏi mặt giấy.
+ Hành thư: Khá giống với chữ viết tay thông thường. Nét chữ này với nét kia trong mỗi chữ được viết nối liên tục nhau. Không giống với các kiểu chữ khác, Hành thư khi viết thì ngòi bút ít nhấc lên khỏi mặt giấy. Hành thư có đường nét phóng khoáng, bố cục chữ tròn trịa, ít góc cạnh nên dễ đọc.
+ Thảo thư: Kiểu chữ mang tính nghệ thuật cao, thiên về cảm hứng. Các nét chữ được biến tấu linh hoạt, tạo sự thanh thoát, uyển chuyển, tốc độ viết nhanh chóng. Khi viết, hạn chế tối đa việc nhấc ngọn bút lên khỏi mặt giấy. Đây là loại chữ ít góc cạnh nhất nhưng để đọc được Thảo thư phải có kiến thức chuyên ngành bởi nó được viết để nêu lên đại ý của văn tự (ý bút).
Học cách cầm bút đúng
Tiếp theo, để viết thư pháp chữ Hán đẹp, bạn phải biết cầm bút lông đúng cách. Việc này tưởng như không quan trọng nhưng thực chất nó ảnh hưởng nhiều đến nét chữ và quá trình luyện viết về sau. Đây là một trong những lỗi phổ biến nhất của các bạn mới bắt đầu viết thư pháp bởi chúng ta đã quen cầm bút theo bản năng.
+ Quy tắc cầm bút đúng: Cầm bút sao cho lòng bàn tay rỗng, các ngón tay khi viết có thể điều khiển linh hoạt cán bút khi viết. Nếu là học viên mới luyện học viết thư pháp chữ Hán, thì nên cầm bút gần với lông của bút, chú ý khoảng cách từ lông bút đến ngón áp út tầm 3cm.
+ Tư thế khi viết: Tay phải học viên cầm bút, tay trái đặt lên bàn và để tay ngang trước ngực. Cầm bút đúng cách sẽ giúp tay bạn linh hoạt, nhịp nhàng và không bị đau khi tập viết.
Khi hình thành được thói quen cầm bút đúng + Tư thế ngồi chuẩn cũng là cách viết thư pháp chữ Hán hiệu quả, rèn chữ thư pháp đẹp. Do đó, mọi người không nên bỏ qua bước cầm bút để học ngay nét chữ, thay vào đó, hãy tập trung học cách cầm bút đúng ngay từ đầu và luyện tập thật chăm chỉ nhé.
>>> Xem thêm: Quy Tắc Tập Viết chữ Hán Chuẩn – Các cách tập viết chữ Hán cho người mới bắt đầu
Tập làm quen với các nét cơ bản của thư pháp
Để viết được các chữ thư pháp nâng cao và phức tạp, bạn nên bắt đầu luyện tập viết các nét cơ bản, gồm:
- Nét ngang: Là nét thẳng ngang và được kéo từ phải sang trái.
- Nét sổ thẳng: Là nét thẳng đứng và được kéo từ trên xuống dưới.
- Nét chấm: Là một nét chấm kéo từ trên xuống.
- Nét hất: Là nét viết cong, đi lên từ trái sang phải.
- Nét phẩy: Là nét viết cong, kéo xuống từ phải qua trái.
- Nét mác: Là nét viết thắng, kéo xuống từ trái qua phải.
- Nét gấp: Là nét viết này có một nét gập giữa nét.
- Nét móc: Là nét móc lê ở cuối các nét khác.
Khi bạn đã luyện tập viết thành thạo những nét đơn giản rồi, quá trình tập luyện các chữ thư pháp khác sẽ dễ dàng, ít mắt lỗi hơn rất nhiều. Trong quá trình học viết các nét cơ bản, nó sẽ khá đơn điệu và gây chán nản, đòi học học viên phải có sự chăm chỉ, kiên trì theo đuổi.
Sau đó, các bạn có thể viết các biến thể của nó thành những nét bay bổng, hấp dẫn. Dù biến tấu bao nhiêu thì nét chữ cũng bắt nguồn từ nét cơ bản, hãy cố gắng hình thành tư duy về hình dạng của chữ một cách tự nhiên để tạo cho mình những chữ cái đẹp.
Luyện học viết thư pháp chữ Hán theo nét của cổ nhân
Sau quá trình đã rèn thạo nét cơ bản rồi, bạn sẽ luyện chữ theo các nét của người xưa. Khi bạn đã quen tay với phương pháp luyện viết theo nét này, bạn sẽ nắm rõ nguyên tắc viết cần thiết. Đây là lúc mọi người có thể kết hợp những nguyên tắc viết chữ đó cùng với thẩm mỹ riêng của cá nhân, nhằm tạo ra nét chữ thư pháp mang phong cách và thương hiệu của riêng mình.
Quan điểm thẩm mỹ của mỗi người không giống nhau, do đó, bố cục sắp xếp nét chữ của mỗi người cũng khác nhau. Tuy nhiên, cách viết thư pháp chữ Hán vẫn phải có những quy tắc nhất định:
+ QT1 - Viết nét ngang trước, nét sổ sau.
+ QT2 - Viết nét phẩy trước, nét mác sau.
+ QT3 - Viết nét trên trước, nét dưới sau.
+ QT4 - Viết nét trái trước, phải sau.
+ QT5 - Viết nét bên ngoài trước, bên trong sau.
+ QT6 - Viết nét vào trước, nét đóng sau.
+ QT7 - Viết nét giữa trước, nét hai bên sau.
(*) Lưu ý: Bạn cần viết các nét bao quanh ở đáy sau cùng.
Luyện chữ Hán thông qua “Lâm mô tự thiếp”
Lâm mô tự thiếp được hiểu đơn giản là dựa vào việc tập theo chữ mẫu chữ đẹp trong các tác phẩm nổi tiếng thời xưa và nay. Thông thường, lâm mô chia làm các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Đọc thiếp
Nhìn tự hình của thiếp, phân tích kết cấu, bút pháp, ước đoán đặc điểm của nét bút trong chữ và mối liên hệ giữa các nét bút.
Giai đoạn 2: Mô thiếp
Dùng giấy trong đặt lên chữ mẫu để viết hoặc viết lên chữ đã in sẵn, hay viết lên vở in chữ lõm (vở in chữ chìm). Quá trình mô thiếp chủ yếu là giúp người viết thông qua mẫu để cảm nhận được bút pháp, kết cấu bố cục, tinh thần của mẫu chữ mình đang theo học. Kỳ thực mô là hình thức luyện chữ giúp tiến bộ nhanh nhưng ít người làm theo.
Giai đoạn 3: Lâm thiếp
Đây là công việc diễn ra thường xuyên, liên tục và cả đời đối với một người học thư pháp, là giai đoạn quan trọng và chiếm nhiều thời gian nhất. Đặt lâm thiếp ở bên cạnh rồi quan sát tất cả các vấn đề về bút pháp bao gồm: hình thái, đường nét, bố cục, kết cấu của chữ, chương pháp và đỉnh hơn nữa là lĩnh hội tinh thần của tác phẩm rồi thực hành mô phỏng viết lại.
Lúc đầu, người viết có thể viết và đối chiếu từng nét, nhưng khi đã thành thạo thì tần suất nhìn vào thiếp sẽ ít hơn.
Giai đoạn 4: Bối thiếp
Trên cơ sở lâm thiếp, người viết sẽ dựa vào trí nhớ, hồi ức để viết lại chữ, đây là bước quan trọng để biến chữ trong tự thiếp thành cái của mình.
Giai đoạn 5: Xuất thiếp
Xuất thiếp là đi ra ngoài khuôn khổ pháp thiếp đã có mà tạo cho mình một phong cách riêng. Khi các bạn đã thuộc lòng các tự thiếp, nắm được đặc điểm của chữ, mọi người có thể vận dụng tự do, linh hoạt để viết lách. Đồng thời, khi có công lực nhất định, kết hợp với quan điểm thẩm mỹ cá nhân để xây dựng phong cách viết riêng mang bản sắc của mình. Tất nhiên, phải đảm bảo được yếu tố thẩm mỹ, tính hài hòa âm dương.
(*) Lưu ý với lâm mô
Lâm mô thiếp là con đường nhanh và hiệu quả nhất đối với người bắt đầu học thư pháp. Bạn cần lâm mô đến khi thuộc tự thiếp, viết chữ theo những điều đã đúc kết trong quá trình luyện tập. Mọi người nên luyện tốt xong 1 chữ rồi hẳn chuyển sang chữ khác, không luyện tập lấy số lượng. Điều quan trọng nhất là cần có sự tư duy, nhận thức vì chỉ khi hiểu, lĩnh hội được các vấn đề đó, người viết mới có thể vận dụng linh hoạt, không bị dập khuôn cứng nhắc trong con chữ.
Nhiều người kiên trì lâm thiếp mỗi ngày nhưng không hiệu quả, mọi người cần xem lại phương pháp lâm thiếp của mình. Trước khi viết 1 nét hay 1 chữ, cần quan sát thật kỹ vị trí, góc độ, dài ngắn của nét bút.
(*) Gợi ý lựa chọn thiếp để luyện tập
Mỗi tự thiếp đều có phong cách khác nhau, tuỳ vào quan điểm thẩm mỹ riêng mà bạn lựa chọn thiếp theo sở thích của bản thân để dễ tiếp cận, nhanh tiến bộ:
Người mới học có thể lựa chọn tự thiếp của các danh gia thời nay: Điền Anh Chương, Lô Trung Nam.
Hoặc lựa chọn cổ thiếp để luyện tập: Nhạc Nghị Luận, Hoàng Đình Kinh (Vương Hi Chi), Cầm Phú, Thảo Đường Thập Chí (Văn Trưng Minh), Linh Phi Kinh Trung (Thiệu Kinh), Đạo Đức Kinh(Triệu Mạnh Phủ),...
>>> Đọc ngay: Mách bạn 7 cách nhớ chữ Hán thật dễ dàng, nhớ lâu hiệu quả
Phương pháp luyện tập viết thư pháp chữ Hán hiệu quả
Luyện thư pháp có hai cách chính: Mô Thiếp và Lâm Thiếp theo các mẫu chữ có sẵn của các đại thư pháp gia. Các tự thiếp và bi thiếp được bán rất nhiều, bạn có thể sưu tầm và luyện tập.
1. Mô thiếp (Mô phỏng - bắt chước) theo mẫu
+ Tả phỏng ảnh: Lấy một tờ giấy mỏng đặt lên trên trang chữ mẫu, bạn dùng bút đồ theo các chữ mẫu sẽ hiện hình lờ mờ qua trang giấy mỏng.
+ Đơn câu: Lấy một tờ giấy mỏng đặt lên trên chữ mẫu, rồi dùng bút chì vẽ đường tim của từng nét chữ. Sau đó dựa theo các đường tim này mà phục hồi các nét bút của chữ đó.
+ Song câu: Lấy một tờ giấy mỏng đặt lên trên chữ mẫu, rồi dùng bút chì vẽ đường viền của từng nét chữ. Sau đó dựa theo các nét chữ rỗng chỉ có đường viền này mà phục hồi các nét bút của chữ.
2. Lâm thiếp
+ Cách lâm: Là viết nhái theo mẫu chữ có sẵn theo một khung có phân chia tỷ lệ, giúp bạn nắm được kết cấu của chữ. Tương tự như cách thức mà các học sinh dùng để tập vẽ bản đồ, gồm các cách thông dụng:
- Cửu cung cách: Khung có 9 ô vuông.
- Mễ tự cách: Khung gạch ngang và chéo theo chữ mễ.
- Hồi tự cách: Khung có hình chữ hồi.
- Điền tự cách: Khung có 4 ô vuông giống chữ điền.
Một số tự thiếp và bi thiếp có sẵn ở hiệu sách đã kẻ ô, còn với các tự thiếp và bi thiếp không kẻ ô, bạn làm như sau: Lấy một tấm giấy hoặc một tấm plastic trong rồi dùng bút mực đen không phai vẽ các khung với nhiều kích cỡ khác nhau. Khi tập viết, bạn đặt khung đè lên chữ để thấy tỷ lệ các nét với nhau. Trên giấy tập viết, bạn cũng vẽ khung phân ô như vậy và canh theo từng ô mà vẽ nét chữ.
+ Đối lâm: Giống với thao tác của một họa sĩ vẽ truyền thần, giúp bạn đạt được bút thế và thần thái của mặc tích. Bạn hãy đặt chữ mẫu trước mặt, ngắm nhìn cho kỹ các nét rồi trực tiếp dùng bút viết chữ thẳng vào một tờ giấy trắng, lưu ý không sử dụng cửu cung cách hay các cách tương tự.
Thông thường, quá trình luyện tập có thể tóm tắt bằng mấy chữ:
- Độc (Đọc): Xem xét kỹ lưỡng chữ mẫu, tham bác các thư thể, tự thiếp, bi thiếp, các mặc tích của cổ nhân. Đọc các sách luận về thư pháp để nghiên cứu bút pháp, bút thế, kết thể, chương pháp đồng thời nghiên cứu sự tiến hoá của chữ Hán.
- Mô và lâm: Tức là thực hành.
- Bối (Ghi nhớ): Giống như việc ghi nhớ một chữ mẫu vào trong tiềm thức, khi viết chữ, tưởng tượng ra chữ và thực hiện lại.
Mới học thư pháp, bạn nên bắt đầu từ chữ Khải, cụ thể là Trung Khải (kích thước 5x5cm), không khuyến khích luyện Tiểu Khải. Để nét chữ có gân cốt, bạn nên luyện Liễu thể và Nhan thể. Khi chữ Trung Khải đã thuần thục, tiếp tục luyện Tiểu Khải và học qua chữ Hành, chữ Thảo.
Tham khảo các Tips giúp bạn viết thư pháp chữ Hán đẹp
Cũng giống như học võ, người luyện viết thư pháp cũng phải hạ công phu luyện tập. Nếu bạn viết chữ Hán theo thói quen, thiếu tính thẩm mỹ, chỉ tập trung theo đuổi phong cách cá nhân và không dựa trên một nền tảng nào cả thì tất nhiên chữ của bạn khó có thể đẹp được. Dưới đây là một số lưu ý sẽ hữu ích đến bạn trong quá trình luyện viết:
Tỉ lệ cao - thấp, lớn - bé
Trong cách viết chữ Hành thư, nếu mọi người quan sát tỉ mỉ sẽ phát hiện ra chiều cao bình quân của các chữ gần bằng nhau, tuy nhiên vẫn có một số chữ có chiều cao đặc biệt thấp hơn hoặc cao hơn những chữ còn lại, điều đó tạo ra tiết tấu, mềm mại trong chương pháp.
Ví dụ: 不、所、而、方 thấp hơn.
Mỗi chữ có đặc trưng hình khối riêng
Mỗi chữ sẽ có tự hình phù hợp với chữ đó, không phải lúc nào cũng áp dụng quy tắc viết ngay thẳng đều đặn là đẹp. Trong một câu, mỗi chữ đều có đặc trưng riêng, nếu quy về hình học thì có hình khối như khoanh đỏ, còn về cơ bản, bình thường cứ viết được hình khối như vậy sẽ đẹp.
Viết liên bút - bút thuận
Chữ Hán có quy tắc bút thuận, nhưng quy tắc này chỉ đúng tương đối. Trên thực tế, một số chữ hoặc bộ phận của chữ có nhiều cách viết khác nhau phù thuộc vào bút thế và sự liền mạch trong chữ.
Người mới học thư pháp nên thuộc quy tắc bút thuận trước tiên. Sau đó, khi đi vào luyện tập chú ý quan sát sẽ nắm rõ được thứ tự bút thuận của chữ mẫu. Trong hành thư, các nét kéo dài với bút ý lộ rõ nên bạn dễ nhìn thấy thứ tự các nét hơn. Các nét nối liền và biến đổi nên cũng sẽ khác so với chữ khải thư thông thường.
Nét chủ kéo dài - cường điệu
Trong các chữ 不、所、而、方: Các nét chủ (nét chính) được kéo dài và cường điệu, khoa trương hơn so với các nét khác. Những nét này khiến chữ bớt đi sự đơn điệu nhằm kéo lại trong tâm của chữ.
+ Tả thu hữu phóng: Tức là phần bên trái tương đối chặt (khoảng hở ít), phần bên phải thì lỏng hơn (có kéo dài).
+ Thượng thu hạ phóng: Tức là trọng tâm lại ở phía trên tổng thể phía trên thu hẹp, phần phía dưới chiếm không gian nhiều hơn.
Một số yếu tố khác
Kiểm soát độ nghiêng của bút
Luyện kiểm soát độ nghiêng của bút là kiểm soát độ đậm nhạt đồng đều của các nét trong cùng một chữ. Độ nghiêng của bút được tính từ độ nghiêng của mặt ngòi so với đường nằm ngang trên giấy. Mặc dù, khi nâng cao sẽ có những kiểu chữ cần thay đổi độ nghiêng bút liên tục để tạo hiệu ứng đẹp mắt, nhưng với người mới bắt đầu, bạn nên viết tất cả các nét với cùng một độ nghiêng nhất định.
Tiếp xúc hoàn toàn với ngòi
Mới bắt đầu, để giữ cho ngòi tiếp xúc hoàn toàn với giấy là việc khá khó khăn. Khi bạn viết bằng ngòi ngang sẽ rất dễ bị nặng một bên ngòi, dẫn đến tình trạng nét bị đứt đoạn, không mạch lạc. Vì vậy, người viết cần cố gắng viết úp cả mặt ngòi xuống mặt giấy và không nghiêng về phía nào, để tạo thành nét chữ đều đặn giúp nét chữ đẹp và mềm mại hơn.
Kiểm soát bố cục chữ
Bạn hãy tập trung vào tổng thể rồi mới đến chi tiết để có thể kiểm soát được bố cục của kiểu chữ. Tư thế để có được cái nhìn bao quát nhất: Cố gắng ngẩng cao đầu và không khom người khi viết. Bố cục là thứ quyết định tác phẩm hay nét chữ của người viết. Một bố cục ổn định với các chi tiết đơn giản sẽ tốt hơn một bố cục không cân bằng với các chi tiết phức tạp.
Chú ý đến khoảng cách chữ
Độ hài hòa của khoảng cách giữa các chữ, các nét phụ thuộc vào thẩm mỹ và cái nhìn tổng quan của mỗi người. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các chữ phải tương đồng nhau và tạo nên một tổng thể dễ chịu và hài hòa cho thị giác.
Lời kết
Thư pháp chữ Hán thực sự là chữ viết thú vị, đậm chất nghệ thuật lại mang tính tượng hình cao. Để viết được thư pháp chữ Hán đẹp không phải là chuyện dễ, mọi người phải rèn luyện thật chăm chỉ khi bắt đầu. Hi vọng với hướng dẫn cách viết thư pháp chữ Hán trên đây sẽ hữu ích đến các bạn, mong mọi người có thể được thực hiện đam mê và ngày càng hứng thú với bộ môn nghệ thuật này nhé! Chúc bạn thành công!