Nguồn gốc chữ Song Hỷ 囍
Trong mỗi đám cưới, bất kể là Vu quy 于歸 (con gái đi lấy chồng) hay Thành hôn 昏禮 đều có treo chữ Song hỉ 囍. Nhưng xuất sứ và ý nghĩa của nó cũng như liên quan của nó tới “ông Ba mươi”- vật tinh của năm Canh Dần chắc mấy ai còn nhớ.
Song hỷ (H: 雙喜, A: Double joy, P: Joie double) nghĩa gốc là hai điều vui mừng đến một lượt bởi 雙 “Song” là “đôi”, là “số chẵn” và 喜 “Hỉ” là “Vui, mừng, hoan hỉ”. Mở rộng ra nó có nghĩa là: 雙喜臨門 “Song hỉ lâm môn”, hai việc mừng đến cùng một lúc, song song với nhau ; chỉ việc nhà trai cưới được vợ cho con trai, nhà gái gả được chồng cho con gái. Song hỉ được viết bởi chữ 囍.
Chữ này gắn với một giai thoại đẹp, đầy yếu tố may mắn, trời định về tình duyên, thi cử của bậc Danh sĩ nổi tiếng đời nhà Tống (宋朝, Song; 960-1127) và vị “Chúa sơn lâm” - con vật cầm tinh năm Canh Dần này. Đó là Vương An Thạch (王安石 Wang Anshi, 1021 – 1086), tự Giới Phủ (介甫), hiệu Bán Sơn Lão Nhân (半山老人 Banshan Laoren), người ở Phủ Châu, Lâm Xuyên nước Lỗ (nay là huyện Đông Hương, tỉnh Giang Tây), là một nhà văn nổi tiếng thời nhà Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1069 khi ra làm quan lần thứ hai, ông được thăng Tham tri chính sự và năm sau được Tống Thần Tông (宋Shenzong) bổ làm tể tướng. Khi năm quyền Vương An Thạch thi hành "biến pháp" nhằm cứu vãn tình thế suy vong của triều đình Bắc Tống. Do tài trí và đạo đức của mình, ông được một danh nhân đương thời tặng biệt hiệu "Xem phú quý như phù vân, một vĩ nhân" và được người đời sau tôn là một trong "Đường Tống bát đại gia" (唐宋八大家,tám đại văn hào của đời Đường và đời Tống).
Giai thoại về ông liên quan đến chữ Song hỉ như sau : Thủa nhỏ Vương An Thạch học rất giỏi, đến năm 20 tuổi chàng trai họ Vương lên Kinh đô cách quê chừng 200 dặm để dự thi. Dọc đường ông đi qua một vùng trù phú. Ở đó một nhà giàu tầm cỡ phú gia địch quốc là Mã Viên ngoại 馬员外, đang kén chồng cho con gái rất xinh đẹp. Viên ngoại là người có học nên muốn chọn rể giàu chữ làm hiền sĩ chứ không phải lắm của nhiều tiền. Khi Vương An Thạch qua đó cũng là lúc Viên ngoại đang mở tiệc mừng thọ. Trong nhà treo đèn kết hoa rực rỡ, khách khứa ra vào đông như hội. Bên ngoài cổng có treo một lồng đèn lớn, kẻ qua người lại xúm nhau xem xét, bàn tán. Vương An Thạch thấy lạ tiến lại ngó xem thì thấy trên đèn kéo quân đó có dán một vế câu đối chưa có câu trả lời:
Chữ : 走 馬 灯 灯 走 馬 灯 熄 馬 停 步[1]
Âm : Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.
Nghĩa là: Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân.
Vương An Thạch nghĩ mãi không đối được, nhưng vẫn nói cứng: “Câu nầy dễ đối thôi”, rồi bỏ đi. Người nhà của Mã Viên ngoại nghe được, chưa kịp vào trình với Viên ngoại thì Vương An Thạch đã lên đường lên kinh đô.
Tại trường thi, Vương An Thạch làm bài thi xong, đem nộp quyển trước tiên. Quan Chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài, chuyển vấn đáp ông trả lời trôi chảy đã có ý lấy ông đỗ đầu.
Nhà vua cho vời ông vào triều để biết mặt và thử tài thêm. Thấy ở sân rồng có một lá cờ lớn, trên có thêu một con hổ, Vua ra cho ông một vế đối:
Chữ: 飛 虎 旗 旗 飛 虎 旗 捲 虎 藏 身
Âm: Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.
Nghĩa là: Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình.
Vương An Thạch chợt nhớ tới vế xuất trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại và thấy âm, ý rất hay và rất chỉnh khi đối với câu nay liền ứng khẩu đọc vế đối cho quan giám khảo nghe:
Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.
Tống đế thấy vế đối của Vương An Thạch với vế ra tạo thành cặp câu đối rất chỉnh, có ý nghĩa xuất sắc và cho rằng Vương có tài ứng đối mau lẹ, đã chấm Vương An Thạch đậu thủ khoa kỳ thi ấy.
Trong khi chờ đăng tên lên bảng vàng và giấy báo An Thạch trở về quê nhà. Khi đi ngang qua Mã gia trang, người nhà của Mã Viên ngoại nhận ra Vương là người đã từng nói vế ra dán trên đèn kéo quân dễ đối, nên mời Vương vào nhà trình với Mã Viên ngoại.
Mã Viên ngoại yêu cầu Vương An Thạch đọc vế đối, Vương liền lấy câu của Vua ra đọc lên thành:
Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ;
Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.
Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh, rất khéo lại ẩn ý khoe tương lai nên nói với Vương An Thạch rằng:
- Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới chịu ưng làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt.
Thế là đám cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang.
Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có, ở luôn tại nhà Mã Viên ngoại.
Ngay liền trong ngày đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch được đậu Trạng nguyên, được triều đình gọi lên kinh đô nhậm chức.
Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: một là cưới được vợ tài giỏi giàu có, hai là được chấm đậu Trạng nguyên.
Vương An Thách rất hứng chí ngâm nga:
Vận may đối đáp thành song hỷ,
Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.
Sau đó lấy giấy viết hai chữ HỶ 喜 喜 rất to trình lên nhạc gia và gửi về gia đình mỗi nhà một bản. Thông báo lại hai việc cực kỳ may mắn, tốt lành là đại đăng khoa (thi đỗ) và tiểu đăng khoa (lấy vợ).
Với việc viết hai chữ HỶ 喜 喜 viết liền nhau đọc là “Song hỉ” vị Trạng nguyên tài danh này đã sáng tạo ra một chữ mới, chữ 囍.
Như thế nguồn gốc của chữ SONG HỶ là do điển tích vừa cưới được vợ đẹp giỏi, vừa thi đậu Trạng nguyên. Nội dung lược thuật trên được chắt lọc và thuatạ lại từ nhiều nguồn (có khi trái ngược nhau) theo ý hiểu của người viết có thể chưa hoàn toàn chuẩn xác theo như nó vốn diễn ra. Nhưng câu chuyện đã kể không phải hoàn toàn do tình cờ, gặp may. Nếu Vương An Thạch không học giỏi, Mã Viên ngoại chỉ tham giầu và Mã tiểu thư kém chữ nghĩa thì cũng không có cơ duyên này được. Việc đẹp duyên chồng vợ là do “một duyên, hai nợ, ba tình” là thế!
Về mặt chiết tự: chữ Song hỉ 囍 gồm 2 chữ Hỉ 喜 mà Chữ Hỉ gồm bộ Sĩ 士 ở trên, bên dưới lần lượt là chữ Đậu 豆 và Khẩu 口, riêng bộ Sĩ và chữ Đậu lập thành chữ “Trống” 壴 thể hiện lớn lao.
Ngày nay các đám cưới ít diễn ra về đêm và chữ Hôn nhân được viết là 婚 không như xưa kia cưới xin cứ đến tối mới đón dâu nên gọi là "hôn lễ" 昏禮 (chữ 昏 gốc nghĩa là Tối tăm). Song việc ghép hai chữ “Hỉ” thành chữ “Song hỉ” vẫn được dùng với ý nghĩa là hai việc vui mừng song song nhau, ví dụ: “Lương gia hoan hỉ mừng Rể mới; Nguyễn tộc hân hoan đón Dâu hiền”.
Do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên Song Hỉ 囍 mầu đỏ xuất hiện rất nhiều trong đám cưới của người Việt từ thiếp mời, phông cưới đến vỏ hộp bánh cốm, chè, hạt sen, quả cau, lá trầu…trong lễ Hỏi, lễ Xin cưới để cầu mong may mắn, nhiều niềm vui cùng đến. Nó còn được dán từ nhà ra ngõ, từ cổng khách sạn vào phòng ăn để thông báo với mọi người về đám cưới và nơi gia đình tổ chức “bữa cơm thân mật” mời bạn bè, họ mạc...Quan trọng là thế nhưng ngoài những người biết chữ Trung Quốc, số đông còn lại ít hiểu biết về chữ này. Đặc biệt vế ra liên quan đến Đèn-Ngựa, vế đối của Vương An Thạch về Cờ-Hổ và ẩn ý một tương lai oai hùng ít ai còn nhắc tới. Bởi vậy mới xảy ra chuyện không ít trường hợp chữ Song Hỉ bị dán ngược, gây nên những phản cảm không đáng có cho những người biết chút ít. Ngày nay, cuộc vận động Xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hoá thu được nhiều hiệu quả tốt; bước đầu hình thành một số nghi thức mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu. Trong phong trào đó, các nhà Văn hóa, Dân tộc học nếu tìm được một biểu tượng đẹp, mang tính dân tộc biểu trưng cho lễ cưới (như hình ảnh TRẦU CAU chẳng hạn) thay cho việc dùng chữ Song Hỉ của Trung Quốc thì hay biết mấy!
Nguồn : st