Trang chủ Liên hệ

Bàn về chữ NGOẠ 臥 và tìm hiểu về các tên hiệu : NGOẠ LONG, PHƯỢNG SỒ.

Admin sach-tieng-trung-tqf 18/04/2020

Bàn về chữ NGOẠ 臥 và tìm hiểu về các tên hiệu : NGOẠ LONG, PHƯỢNG SỒ.

NGỌA 臥/卧 thuộc dạng chữ Hội Ý kết cấu trái phải. Khi người ta ngủ hay thức sự thay đổi của con mắt là rõ rệt nhất, cho nên chữ NGỌA 臥 dùng chữ THẦN 臣 (có gốc là hình còn mắt ở tư thế thấp nhìn lên) và chữ NHÂN 人 hội ý lại để biểu nghĩa. NGỌA 臥 nghĩa gốc là NGỦ rồi mở rộng nghĩa thành NẰM.

NGỌA 臥 ( 卧 ) là Nằm. Như NGỌA THẤT 卧室 hay NGỌA NỘI 臥內: là Phòng để nằm, tức là Phòng Ngủ. CƯƠNG NGỌA 僵臥 là Nằm ngay đơ, không nhúc nhích, như chết rồi. NGƯỠNG NGỌA 仰臥 hay YỂN NGỌA 偃臥 là Nằm ngửa ra, Nằm ngửa mặt lên. NGỌA BỆNH 臥病: là Ngã bệnh, là Bị Bệnh.

Chữ NGỌA 臥 làm chúng ta nhớ đến hai câu thơ cuối trong bài Lương Châu Từ 涼州詞 của Vương Hàn 王翰 đời Đường :
Tuý NGỌA sa trường quân mạc tiếu, 醉臥沙場君莫笑,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ? 古來征戰幾人回?
Có nghĩa :


Say nằm ở sa trường xin bạn đừng cười,
Xưa nay chinh chiến mấy người về đâu?.

NGỌA LONG 臥龍: là Con rồng nằm, ám chỉ người kì tài chưa hiển đạt. Đây là tên hiệu dùng để chỉ Gia Cát Lượng 諸葛亮, là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Nhắc tới vị quân sư này, mọi người không chỉ nhớ tới cái tên Gia Cát Lượng 諸葛亮, tự Khổng Minh 孔明, mà còn nhớ ngay tới biệt hiệu Ngọa Long tiên sinh 臥龍先生. "Ngọa Long" trong tiếng Hán ngụ ý là rồng nằm. Vào thời cổ đại, rồng là biểu tượng cho bậc đế vương, nhưng con rồng trong tên hiệu của Khổng Minh lại say ngủ, không bay lượn trên bầu trời. Biệt hiệu này tương đối phù hợp với tính cách cũng như tài năng của Gia Cát Lượng. Bởi luận về năng lực, Khổng Minh hoàn toàn có thể trở thành bậc đế vương. Tuy vậy, ông lại không có ham muốn xưng đế mà một lòng dùng tài năng của mình để cúc cung tận tụy với quân chủ, làm tròn bổn phận bề tôi với nhà Thục Hán.

Thời Tam quốc, bên cạnh Khổng Minh, tập đoàn chính trị nhà Thục Hán còn có hai nhân vật mượn linh thú làm tên hiệu. Đó là Bàng Thống 龐統 và Khương Duy 姜維.
Sinh thời, Bàng Thống có biệt hiệu là "Phượng Sồ" 鳳雛, ý chỉ chim phụng chưa trưởng thành, chưa mang dáng dấp của phượng hoàng.
Trong khi đó, nhân tài trẻ tuổi Khương Duy lại sở hữu biệt hiệu là "Ấu Kỳ" 幼騏, ngụ ý là kỳ lân chưa lớn.

Không chỉ mang ý nghĩa tích cực và khiêm tốn, tên hiệu của Khổng Minh, Bàng Thống và Khương Duy đều dùng hình tượng linh thú: Đó là rồng (Ngọa Long), phượng (Phượng Sồ) và lân (Ấu Kỳ).

Nhân nói về biệt hiệu "ngọa long" của Gia Cát lượng. Đào Duy Từ lúc còn hàn vi, để tỏ chí hướng của mình muốn đem tài trí giúp Chúa Nguyễn và tự ví mình như Gia Cát Lượng bên Tàu, khi còn ẩn tại núi Ngoạ Long, nên viết bài “Ngoạ Long Cương Vãn” bằng văn Quốc âm theo thể lục bát. Người đời cũng gọi ông là Ngoạ Long tiên Sinh.
Chốn này thiên hạ đời dùng,
Ắt là cũng có Ngoạ Long ra đời

NGỌA ĐỂ 臥底 : là Nằm đáy, Nằm vùng. Tức là ngầm ở bên phe địch, dò la tin tức hoặc chuẩn bị làm nội ứng.

NGOẠ TRIỀU 臥朝: là Vua nằm để dự triều chính. Theo lịch sử Việt Nam, Lê Long Đĩnh, con vua Lê Đại Hành, là vị vua nằm để dự triều chính, nên được gọi là Lê Ngoạ Triều.
Lê Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém
giết. Khi đã giết anh rồi, lên làm vua, thường lấy sự giết
người làm trò chơi: Có khi những tù phạm phải hình thì lấy rơm tẩm dầu quấn vào người đốt sống, có khi bắt
tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gãy cho cây đỗ.
Làm những điều ác như thế lấy làm thích chí. Ông cũng
là người ham dâm dục, vì quá độ, mắc bịnh không ngồi
được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục
gọi là Ngoạ triều.
Ngọa triều thí nghịch hôn dung,
Trong mê tửu sắc, ngoài nồng hình danh.

NGỌA TÀM 臥蠶 : Ngọa là Nằm,Tàm là Con tằm. NGỌA TÀM nghĩa đen là con tằm nằm, dùng để chỉ phần dưới mi mắt. Sách xem tướng cho rằng người có ngọa tàm cao và ngư vĩ (Đuôi con mắt) dày thì có nhiều con.
To đầu vú, cả dài tai,
Dày nơi ngư vĩ, cao nơi ngoạ tàm.

NGỌA HỔ TÀNG LONG 臥虎藏龍: Nghĩa là con hổ nằm và con rồng đang ẩn mình, chỉ những nhân tài đang ẩn náu chưa có xuất hiện, thành ngữ cũng dùng để chỉ những nơi ngầm chứa nguy hiểm mà ta không thể lường trước được.

NGỌA TÂN THƯỞNG ĐẢM 臥薪嘗膽: là Nếm mật nằm gai. trong binh pháp gọi đây là KHỔ NHỤC KẾ 苦肉計, là kế Tự làm mình khổ nhục để đánh lừa quân địch. Như :
Việt Vương Câu Tiễn sau khi thất bại trước Ngô Vương Phù Sai thì hết lòng tận tụy phục vụ Phù Sai như người hầu, thậm chí nếm cả phân để giúp thầy thuốc chữa bệnh cho Phù Sai, tất cả chỉ để che giấu sự chuẩn bị trả thù của nước Việt. Khi được tha về nước, Câu Tiễn lại nằm ở trên gai mà ngủ, trước mặt treo một túi mật luôn nếm cho đắng miệng, để đừng bị cuộc sống sung sướng mà quên đi ý chí trả thù.

NGOẠ LIỄU SINH CHI 臥柳生枝: Do câu: Tường chung hán đại, cấm trung ngọa liễu sinh chi 祥鍾漢代, 禁中臥柳生枝, tức là điềm lành tụ nhà hán, trong cung cấm cây liễu nằm mọc nhánh.
Sách hán Thư chép: Đời vua Chiêu Đế, vườn cây
trong cung cấm có cây liễu nằm nơi đất. Một hôm cây đứng
dậy mọc nhánh lá, bị sâu ăn lá khuyết thành chữ rằng: Vị
Công Tôn bịnh đã hết, tức là chỉ vua Hán Tuyên Đế vậy.

Bài viết liên quan