Kiến thức phong thủy gia cư chuẩn xác nhất không phải ai cũng hiểu rõ | NHT Books

Kiến thức phong thủy gia cư chuẩn xác nhất không phải ai cũng hiểu rõ

Trần Công Tráng 04/11/2022
NHT Books

Phong thủy gia cư là các loại bố cục về trong và ngoài nhà ở. Các bố cục này được định hình theo nguyên lý khoa học tự nhiên. Đồng thời, dựa trên cơ sở thuận theo các quy luật của tự nhiên.

Phong thủy gia cư là các loại bố cục về trong và ngoài nhà ở. Các bố cục này được định hình theo nguyên lý khoa học tự nhiên. Đồng thời, dựa trên cơ sở thuận theo các quy luật của tự nhiên. Nếu nhà ở không hợp phong thủy, chúng ta có thể thay đổi cải tạo lại bố cục để tạo ra một nơi ở phù hợp với luật phong thủy hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và có cơ hội tiếp xúc với kiến thức phong thủy gia cư. Vì vậy, để giúp gia chủ bổ sung kiến thức phong thủy một cách chính xác nhất. Bài viết hôm nay, Nhớ Hán Tự sẽ giới thiệu đến gia chủ kiến thức phong thủy gia cư từ một cuốn sách rất hay!

phong thủy

Khái niệm phong thủy gia cư là gì?

Nhà cửa không những là nơi để tránh mưa, tránh nắng cho con người mà còn là nơi nuôi dưỡng vật chất và tinh thần của thành viên sinh sống tại đó. Người xưa có câu “Có an cư mới lập nghiệp”. Điều này có nghĩa là, nhà cửa là yếu tố quyết định đến sự nghiệp của con người.

Tuy dân gian có câu “Nhất số mệnh, nhì vận may, ba phong thủy”, song câu này chỉ mang nghĩa nhấn mạnh tới số mệnh. Nếu nhà ở của bạn phù hợp với luật phong thủy thì cuộc đời của bạn cũng thay đổi và tốt lên rất nhiều.

Hiện nay, các sách cổ lấy tên “Phong thủy” hay “Phong thủy học” hầu như rất hiếm và khó tìm thấy. Chỉ có mấy cuốn sách viết về phong thủy thời Nguyên – Minh – Thanh như cuốn “Phong thủy hỏi đáp” do Chu Trấn Hưởng đời Nguyên biên soạn. Qua đó, chúng ta có thể thấy phong thủy đã xuất hiện từ rất lâu đời!

Vì sao các nhà địa lý lại dùng từ “Phong thủy” thay cho từ “Địa lý”? Lý giải cho điều này, có lẽ họ đã chịu ảnh hưởng từ cuốn sách “Táng kinh” (Luận về an táng) của Quách Phát – người đời nhà Tấn.

Trong Kinh có nói: “Khí bay theo gió thổi, đến dòng nước thì dừng”. Cổ nhân coi “Khí” tụ mà không tán, muốn “Khí” dừng lại, cho nên mới gọi là “Phong thủy”. Lý luận phong thủy trọng “Sinh khí”, kỵ “Gió thổi” và quý “Dòng nước” (quý thủy).

Bởi “Gió” làm “Khí” tiêu tán trong khi “Dòng nước” có thể tụ “Sinh khí”. Do đó, phong thủy tốt phải “Tàng phong tụ thủy”, tức sinh khí “Tụ mà không tán, động mà lại tụ”.

phong thủy là gì

Phân loại phong thủy gia cư

Phong thủy học được chia làm hai loại gồm “Âm trạch” và “Dương trạch”. Phong thủy tốt nhất là “Dương trạch” và “Âm trạch” đều hay, còn “Dương trạch xấu” và “Âm trạch tốt” là loại hai, cả “Âm trạch” và “Dương trạch” đều xấu là loại xấu nhất.

Khi bàn luận về phong thủy, mọi người thường có định kiến sai lầm. Họ cho rằng, phong thủy cổ đại chỉ nghiên cứu “Âm trạch” và bây giờ mới chú trọng phong thủy “Dương trạch”. Thực tế, người xưa đã rất coi trọng việc chọn đất làm nhà định cư. Sau khi chọn được đất, họ tiến hành xem bói và hỏi thiên địa quỷ thần xem mảnh đất này có thích hợp với xây nhà ở không?

Lịch sử hình thành và phát triển của phong thủy học

Ngược về đời Đông Hán, Vương Xung biên soạn cuốn “Luận hoành”. Đây là tác phẩm dùng ngũ hành bát quái luận trạch sớm nhất trong lịch sử. Đến đời nhà Tấn, phong thủy học phát triển và hoàn thiện hơn với các ấn phẩm “Táng kinh”, “Cẩm nang kinh” của Quách Phác, “Tróc mạch phú” của Đào Khản.

Đến đời Đường, Tống, phong thủy phát triển rầm rộ với quy mô lớn nhờ công lao của bốn đại gia họ Dương, Tằng, Liêu và Lai. Dương tức Dương Duân Tùng (hay còn gọi là Dương Cứu Bần), Tằng tức Tằng Văn Ngô, Liêu tức Liêu Vũ (còn được gọi là Liêu Kim Tinh) và Lại tức Lại Văn Tuất (người đời gọi là Lại Bố Y).

Trong bốn đại gia này, danh tiếng của Dương Duân Tùng là nổi bật nhất. Ông được người đời mệnh danh là tổ sư của địa lý học. Tuy nhiên, Lại Bố Y được truyền tụng nhiều hơn trong giới phong thủy.

Đến đời nhà Nguyên, Minh, Thanh thì phong thủy học đi theo hướng thực dụng hơn. Người có ảnh hưởng quan trọng đến phong thủy học là Tưởng Đại Hồng và Thẩm Trúc. Các nhà phong thủy hiện đại đã giải thích hiện tượng phong thủy theo thuyết “Từ trường trái đất”.

Những địa điểm phong thủy tốt sẽ hấp thụ được sinh khí, có hướng từ trường lý tưởng giúp cho thân thể khỏe mạnh, trí óc sáng suốt và tâm hồn thư thái. Khoa học phong thủy đã đạt đến mức rất cụ thể và chi tiết như: không được nằm ngủ qua đầy ra đường và không đào đất ở hướng Tây Bắc nhà ở.

Từ xa xưa, phong thủy học rất chú trọng đến hướng nhà, đặc biệt là hướng giường ngủ và hướng bếp đun nấu. Từ kinh nghiệm thực tế, những nhà phong thủy học đã đưa ra lý luận mệnh lý bát trạch, giúp con người có thể căn cứ vào trạch sinh của mình để chọn hướng nhà tốt và tránh hướng xấu.

kiến thức phong thủy nhà ở

Theo lý luận mệnh lý bát trạch, có tổng cộng tám loại Dương trạch bao gồm:

+ Trạch Càn: hướng Tây Bắc;

+ Trạch Khảm: hướng Bắc;

+ Trạch Cấn: hướng Đông Bắc;

+ Trạch Chấn: hướng Đông;

+ Trạch Tốn: hướng Đông Nam;

+ Trạch Ly: hướng Nam;

+ Trạch Khôn: hướng Tây Nam;

+ Trạch Đoài: hướng Tây.

Truyền thuyết về phong thủy trong lịch sử Việt Nam và thế giới

Dưới đây là tổng hợp các “điển tích” và những câu chuyện truyền thuyết về phong thủy xuất hiện trong lịch sử Việt Nam và trên toàn thế giới mà bạn có thể tham khảo:

1. Vì sao dòng họ Mạc Đĩnh Chi chỉ “Sang” không “Giàu”?

Trong kho tàng lịch sử Việt Nam, có một truyền thuyết xa xưa nói về lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Thuở ấy, quê hương của Mạc Đĩnh Chi dân cư còn thưa thớt và làng xóm ở xen lẫn với rừng. Hơn nữa, khu vực lại còn có gò đống và cây cối mọc um tùm.

Một lần, bà mẹ Mạc Đĩnh Chi (khi chưa sinh Đĩnh Chi) vào rừng kiếm củi, bà bị một con khỉ độc bắt giữ và toan giở trò hãm hiếp. May mắn thay, bà là người khỏe mạnh nên đã chống đỡ quyết liệt và thoát ra được. Bà chạy thẳng về nhà trong tình trạng “áo xống tơi tả”.

Về đến nhà, bà kể lại sự việc đã diễn ra với chồng. Người chồng nghe tin đã vô cùng tức giận. Thế rồi, sau vài đêm suy tính, ông đã nghĩ ra được kế để diệt trừ khỉ dữ! Một hôm, ông mặc quần áo của vợ, lại độn ngực chít khăn giả làm đàn bà rồi quẩy quang gánh vào rừng kiếm củi.

Ông thủ sẵn một con dao nhọn đã mài thật sắc trong cạp quần. Khi đi ngang qua nơi người vợ bị khỉ dữ làm hại, ông đặt gánh xuống rồi ung dung kiếm củi. Một lát sau thì khỉ độc xuất hiện. Nó chạy ra và ôm chầm lấy ông. Trong lúc bị con khỉ ghì chặt, ông nhanh chóng đưa tay và rút dao nhọn ra, rồi đâm thật mạnh vào ngực, bụng khỉ.

phong thủy gia cư

Con khỉ rú lên rồi gục xuống, chết ngay tại tại chỗ. Ông đẩy xác khỉ ra cạnh bên, lấy khăn lau vết máu trên người rồi quẩy quang gánh quay về nhà. Sáng hôm sau, hai vợ chồng lại quẩy quang gánh vào rừng kiếm củi.

Khi đi qua nơi xác khỉ chết hôm qua, kỳ lạ thay, họ chỉ nhìn thấy một đống mối đùn rất lớn. Là người có học, lại ít nhiều hiểu biết được thuật phong thủy, người chồng để tâm quan sát từ chỗ đứng ra khắp bốn hướng xung quanh. Ông vô cùng kinh ngạc khi nhận ra xác khỉ đã được “thiêu táng” vào một thế đất rất “vượng”.

Đó là một gò đất thấp, phía trước có dòng suối uốn lượn chảy qua, con ba bề xung quanh là những gò đất cao đều châu tuần vào. Ông nói với vợ: “Xác khỉ đã bị mối đùn kín rồi”. Thế rồi, hai người cùng ở lại kiếm củi cho đến gần trưa, khi đã đầy cả hai gánh mới về.

Từ đó trở đi, ông giữ kín chuyện kì lạ trên… không hé lộ ra với ai. Thời gian sau, bà vợ có mang rồi sinh ra một bé trai và đặt tên cho nó là Mạc Đĩnh Chi. Mạc Đĩnh Chi có dàng người gầy gò, thấp bé, còn mặt mũi hao hao giống khỉ.

Miệng rộng trán dô, mũi tẹt, tai vểnh nhưng mắt nhỏ nhưng đặc biệt tinh anh. Các thầy tướng số bảo đó là “cổ tướng” – một dạng của “quý tướng” để giải thích những tài năng đặc biệt của Mạc Đĩnh Chi về sau này.

Sau này, bố Mạc Đĩnh Chi sắp qua đời đã dặn lại vợ con hãy đem “táng” mình vào bên trên đống đất có xác khỉ độc nằm. Kể từ đó, ngôi mộ của dòng họ Mạc đã được mối đùn cho thêm to mãi. Đồng thời, đã “phù hộ” cho con cháu chắt sau này ngày càng hiển đạt.

truyền thuyết phong thủy Việt Nam

Có người được làm đến công hầu, khanh tướng và thậm chí là đế vương,… Các thầy địa lý còn giải thích, phía trước mộ có dòng nước chảy đi (có “tán” mà không có “tụ” để tạo thành minh đường). Cho nên, con cháu chắt từ đời Mạc Đĩnh Chi trở đi chỉ “sang” chứ không “giàu” lên được.

Thực tế, dòng họ Mạc tính từ Mạc Đăng Tích trở đi, đã có nhiều nhân tài xuất chúng và cũng có truyền thống văn học rất cao. Trong đó có hai vị trạng nguyên tiêu biểu nhất, đặc biệt là Mạc Đĩnh Chi. Trong lần đi sứ tới Yên Kinh, ông đã làm cho cả triều đình Nguyên phải nể phục về tài năng, kiến thức uyên thâm của mình.

Vua Nguyên phong tặng ông danh hiệu “Lưỡng quốc trạng nguyên” chính vào dịp này. Triều Mạc trong lịch sử Việt Nam được coi là một thời kỳ có nhiều đổi mới và cải cách. Trong 67 năm trị vì, vương triều Mạc đã mới tới 21 khoa thi Hội, lấy đỗ tới 460 tiến sĩ. Đây là một đóng góp rất lớn vào việc chấn hưng đất nước trên phương diện văn hóa.

2. Chuyện Lý Bôn xưng đế

Lý Bôn tức Lí Bí (Lý Nam Đế), quê ở Long Hưng (Thái Bình), sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503). Ông là con hào trưởng Lý Toản, mẹ là Lê Thị Oánh người Ái Châu (Thanh Hóa), bố mất năm ông lên 5 tuổi.

Hàng ngày, Lý Bôn chăn trâu cắt cỏ cùng với đám trẻ trong làng. Do có thể chất khỏe mạnh, Lý Bôn bơi lội ao hồ rất giỏi. Năm đó, Cao Biền – một vị quan Trung Quốc được cử sang vùng đất Giao Chỉ làm tiết độ sứ. Ông là một người học rộng biết nhiều, lại biết luật phong thủy, từng cho trấn yểm các vùng sông Tô Lịch để xây dựng thành Thăng Long.

phong thủy Việt Nam

Sau khi sang ở vùng đất Giao Chỉ, Cao Biền thỉnh thoảng “cưỡi diều gió” lang thang khắp nơi. Một hôm, theo sao chiếu, ông dự đoán có một khu đất địa linh, tới nơi phát hiện đó là một vùng nước xoáy trong một hồ nước có chiếc hàm rồng.

Ông hiểu rằng, nếu đặt hài cốt của người đã khuất vào đó, con cháu đời sau sẽ phát làm đến bậc đế vương. Tuy nhiên, vùng nước xoáy đó rất nguy hiểm, chỉ có bọn trẻ chăn trâu khỏe mạnh mới có thể bơi qua được.

Để kiểm chứng, Cao Biền gọi lũ trẻ con chăn trâu trong làng đến, hứa nếu đứa nào bơi qua được vùng nước xoáy đó sẽ có thưởng lớn. Tất cả trẻ con đều nhảy xuống vùng nước xoáy nhưng không có đứa nào đủ can đảm lặn và có sức khỏe để lặn xuống tận nơi. Duy chỉ có Lý Bôn làm được.

Khi lên đến bờ, cậu bé kể lại rõ ràng những gì mình đã nhìn thấy: có một đám nhũ đã giống như hàm rồng ở dưới đáy vực. Biết điều mình dự đoán đã được kiểm chứng, Cao Biền lập tức về nước lấy hài cốt cha mình đưa sang vùng Giao Chỉ. Rồi lại sai Lý Bôn mang xuống hàm rồng và đặt ngay vào cửa hàm.

Khi đó, Lý Bôn tuy mới chỉ là đứa trẻ chăn trâu nhưng đã hiểu được tầm quan trọng của việc này. Cậu liền về nhà kể lại sự tình với mẹ. Bà mẹ liền đưa cho con chút ít hài cốt của cha cướp được khi ông bị giết, chặt từng khúc và vẫn giấu ở trong nhà. Đồng thời, bà dặn con hãy đem xuống đặt nó vào chính giữa hàm rồng ấy.

Lý Bôn làm theo lời mẹ dặn và đã để bọc hài cốt của cha Cao Biền sang bên và thay hài cốt của cha mình vào mà không ai biết được. Từ đó, việc này không được ai nhắc đến nữa. Sau khi mẹ chết, Lý Bôn ở với chú ruột.

Một vị pháp thiền sư thấy cậu bé Lý Bôn khôi ngô, tuấn tú đã xin làm con nuôi và đưa về chùa Linh Bảo nuôi dạy. Hơn mười năm đèn sách chuyên cần, lại được vị thiền sư hết lòng dạy bảo, Lý Bôn trở thành người học rộng, hiểu sâu và ít người sánh kịp. Nhờ có tài kiêm văn võ, ông được tôn làm thủ lĩnh địa phương.

Thời đó, nhân dân ta vô cùng thống khổ dưới sự đô hộ tàn ác của tên thứ sử Tiêu Tư. Tháng 1 năm 542, Lý Bôn lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa tấn công quân Lương. Thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ tột cùng và phải bỏ chạy về nước.

Chưa đầy ba tháng, Lý Bôn đã chiếm được hầu hết các quận, huyện và thành Long Biên. Nhà Lương sai tướng đem theo quân lính sang phản công chiếm lại. Lý Bôn đã bố trí quân mai phục đánh tan bọn xâm lược.

Đầu năm 543, quân Lâm Ấp kéo sang cướp phá quân Nhật Nam, Lý Bôn lại sai lão tướng Phạm Tu kéo quân vào đánh ở Cửu Đức (Hà Tĩnh). Quân Lâm Ấn bỏ chạy hết. Tháng 2 Giáp Tý năm 544, Lý Bôn xưng hoàng đế Lý Nam Đế và lên ngôi vua lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân.

Đóng đô ở Long Biên (Thuận Thành, Bắc Ninh), lập một triều đình riêng, khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, bền vững muôn đời trong lịch sử dân tộc ta. Lý Nam Đế cũng chính là người xây dựng chùa Trấn Quốc trên đảo Kim Ngư (đảo Cá Vàng) ở Hồ Tây, Hà Nội (trước lấy tên là chùa Khai Quốc).

Năm 547, trong cuộc chiến đấu với tên tướng giặc khát máu nước Lương – Trần Bá Tiên, Lý Nam Đế đã bị ốm nặng và mất. Theo các nhà phong thủy học, việc Lý Nam Đế lên làm vua nhưng chỉ được một thời gian ngắn là do ông không mang đủ hài cốt của cha an táng vào hàm rồng!

Cho nên, mộ chỉ phát cho một đời con duy nhất là Lý Bôn và thời gian làm đế vương cũng rất ngắn (chỉ vỏn vẹn 7 năm từ 541 – 547).

Lời kết

Những thông tin trên bài viết đều được tổng hợp trong sách Phong thủy cổ của người xưa. Nhiều điển tích cũng được ghi nhận lại cho thấy tầm quan trọng của phong thủy trong đời sống ngày xưa. Hi vọng rằng, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm phong thủy.

Bạn đang xem: Kiến thức phong thủy gia cư chuẩn xác nhất không phải ai cũng hiểu rõ
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0345591231